BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Hương bay bốn hướng, khói vương bốn trời

LÊ MINH QUỐC: Hương bay bốn hướng, khói vương bốn trời

 

huong-bay-bon-huong-1R

 


Mấy hôm nay xao nhãng viết lách. Một phần do nản bởi không có thời gian mổ xẻ “ra ngô ra khoai” những gì đã nghĩ. Viết hời hợt, loáng thoáng, né tránh thì viết làm gì? Chiều qua đã làm một việc phi thường, chỉ mới 15 giờ chiều đã dũng cảm tắt máy vi tính. Xuống phố. Đi một mạch đến quán cà phê ngay tại trung tâm Sài Gòn. Và rượu đỏ. Có lần đạo diễn Lê Hoàng trêu y: “Đã thế, còn ăn thêm chocolate đến gẫy răng”. Bịa. Làm gì có chuyện ấm ớ đó. Cảm giác yên lành. Nhẹ nhàng. Không thèm nghĩ đến những gì đã nghĩ.

Nhìn xuống đường phố, nàng bảo, đã lâu em có xem bộ phim Nửa đêm ở Paris. Có thể tóm tắt: Có anh chàng nhà văn tỉnh lẻ, một ngày kia đến Paris. Trong đêm khuya, anh ta đi lạc, tình cờ lạc vào quán cà phê, quái lạ, từ khung cảnh bài trí đến cách ăn mặc dường như của thế kỷ trước. Ở đó, anh đã gặp những văn nghệ sĩ nổi tiếng nhất, gặp cả văn hào Ernest Miller Hemingway (1899 - 1961). Mừng quá, anh đến làm quen, rụt rè thổ lộ mình đang tập viết văn. Đôi bên tương đắc. Bia bọt lai rai. Nhờ có men nên anh ta dạn dĩ van nài: “Ông có thể đọc giúp và nhận xét tác phẩm của tôi được không?”. Nhà văn sốt sắng: “Sao lại không? Đem bản thảo đến, tôi sẽ đọc”.

Vâng lời, anh chàng vội vàng trở về nhà lấy bản thảo. Khổ thay, lúc quay lại, anh ta không thể tìm ra quán cà phê nọ. Trời đã rạng sáng.

Mấy ngày sau, anh chàng vẫn không ngừng bỏ ý định đi tìm quán cà phê đó. Những lần này, anh đem theo kè kè tập bản thảo. Rồi cuối cùng vận may cũng đến. Tìm được quán cà phê hôm trước, gặp lại cố nhân, anh sung sướng trình bày câu chuyện khuya nọ, nào ngờ Hemingway thốt lên: “Anh là ai? Tôi không biết. Hơn nữa, tôi chỉ đọc tác phẩm của tôi chứ không đọc của ai khác”. Câu chuyện này tất nhiên đạo diễn bịa ra, vì bối cảnh trong phim cho biết thời điểm đó Hemingway đã mất.

Nghĩ gì về chuyện này?

Trước đây, tạp chí Văn số 41 (1.IX.1965) có thực hiện số báo đặc biệt về Hemingway. Còn nhớ câu trong diễn văn nhận giải văn học Nobel do Hemingway đọc tại Stockholm (Thụy Điển) ngày 25.10.1954: “Khi tôi ngừng viết, nguồn văn của tôi khô cạn, nhưng rồi nó lại tiếp tục tràn đầy. Thật chẳng khác gì việc trai gái làm tình với nhau. Trong lúc đó, không cái gì có thể xẩy ra, không cái gì có thể có nghĩa lý gì, cho tới khi làm việc trở lại ngày hôm sau. Chính cái sự chờ đợi cho tới ngày hôm sau mới là việc khó khăn nhất đó”. Ghi thêm câu này nữa: “Đối với một nhà văn chân chính, mỗi tác phẩm phải là một sự khởi đầu mới mẻ, nhờ đó họ lại cố công đạt tới được một cái gì không thể nào vươn tới được. Họ phải thử làm một cái gì chưa có ai làm bao giờ, thản hoặc đã có những người thử làm mà đã không thành. Và chỉ có một đôi lần, nếu gặp rất nhiều may mắn, nhà văn đó mới có thể thành công”.

Thế nào là thành công, thưa cụ Hemingway?

Thật lạ, có những tập sách của nhiều nhà văn tên tuổi viết rất hay, sâu sắc nhưng số lượng in chỉ vài ngàn bản. Trong khi đó, một vài tác giả mới toanh lại in vài chục ngàn bản, đọc xong chẳng đọng lại một ấn tượng nào mà các bạn trẻ vẫn chen chúc xếp hàng mua và xin chữ ký. Do tác giả viết đúng suy nghĩ của lớp người cùng thế hệ nên nhận được sự tán thành? Do tác động của người khác nên họ tò mò “đọc cho biết” chứ không hẳn vì yêu thích tác phẩm đó? Do sự P.R từ các trang mạng xã hội để tạo ra một hiệu ứng nhất định? Điều này cũng bình thường. Văn chương kỳ lạ lắm, nó chỉ có thể tồn tại tự thân chứ không thể bẳng bất kỳ một sự can thiệp nào. Nếu có, hiện tượng đó cũng nhanh chóng trôi vào quên lãng. Rồi thời gian, vị quan tòa phán xử nghiêm khắc nhất sẽ xác định lại lần nữa.

Vừa đang suy nghĩ vẩn vơ, bỗng nghe điện thoại tèng téng teng. Phải hối hả đến Hội Nhà văn TP.HCM, lầu 4, tham dự ra mắt sách mới của người bạn. Vẫn biết thế. Mọi việc là thế thế. Nhưng rồi vẫn đi. Cũng chừng ấy khuôn mặt. Cũng khung cảnh đó. Cũng kiểu cách đó. Cũng lời chúc mừng đó. Mỗi lần vào đó, quay về lại buồn. Mỗi lần quay về lại hỏi, chúng ta, những người cầm bút đang đứng ở đâu trong cuộc sống nhiều biến động, thay da đổi thịt từng ngày? Những va chạm. Những dằn vặt. Những số phận cùng đinh. Những tiếng kêu oan khuất sau cánh cửa đã khép. Những lo toan cơm áo thường ngày. Những vấn đề bức thiết ấy, hầu như ở bên ngoài trang viết. Văn chương chữ nghĩa liệu có còn đóng góp một chút gì cho tâm hồn người đọc? Liệu có còn là tiếng nói đồng hành cùng người đọc? Ngoài một vài nhà văn có sách in số lượng vài chục ngàn bản, còn lại chỉ in vài ngàn là cùng. Cả nước có gần trăm triệu người nhưng tác phẩm dù chỉ in số lượng cỏn con vẫn không bán hết.

Do bạn đọc xa lạ với những gì nhà văn đã viết hay họ không còn mê đọc sách? Không rõ. Tuy nhiên, cần tham khảo thêm thông tin: “Theo thống kê, hiện nay trên toàn quốc chỉ có 564.133 người đăng ký sử dụng thư viện công cộng thường xuyên. “Như vậy, nếu tính với tỷ lệ dân số nước ta hơn 90 triệu người thì chỉ có 0,057% người dân đến đọc sách, mượn sách ở thư viện công cộng”. Đây là con số gây sốc được bà Vũ Dương Thúy Ngà, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL) đưa ra trong hội thảo xây dựng đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030” được tổ chức ngày 28-7, tại Hà Nội (Báo SGGP số ra ngày 29.7.2015).

Xin nhắc lại, "chỉ có 0,057% người dân đến đọc sách, mượn sách ở thư viện công cộng”. Trong số đó, không rõ có ao nhiêu người đọc…thơ? Ít người biết rằng, trước khi trở thành nhà văn hiện thực phê phán nổi tiếng, Nam Cao đã từng... làm thơ! Chẳng hạn, bài Lòng người của ông, mang âm điệu thơ... Nguyễn Bính:

Lòng người là khói là hương
Hương bay bốn hướng, khói vương bốn trời
Buồn cho tôi! Muốn lòng người
Là con sóng nhỏ chảy xuôi một dòng
Thế rồi tôi lại muốn sông
Đừng ra bể nữa cho lòng mang mang…

Buồn cho tôi muốn tình nàng
Có hình như đã rõ ràng từ đây    
Ai làm cho gió đưa mây
Cho mây vương núi đổi thay muôn hình
Đổi thay là trái tim tình
Một làn mây đủ xuôi mình phụ ta
(1939)

Còn bài thơ Khi chiều thẫm, có những câu gần giống như thơ... Xuân Diệu! Hơn ai hết, Nam Cao tự nhận thức: “Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những  gì chưa có” (Đời thừa). Do đó, không vì có dăm bài thơ in báo mà Nam Cao tự bằng lòng với mình, ông quyết định “li dị” với nàng thơ. Quyết định này hoàn toàn chính xác, nhờ vậy, ông đã tìm được sở trường của mình và tạo được tên tuổi lừng lẫy.

Nhân chuyện thơ, lại nhớ đã đọc đâu đó câu chuyện của một nhà nho làm cách mạng bị đày Côn Đảo. Lúc về quê quán, ông mở hàng nước trên đê làng nhưng cứ bị bọn lý trưởng, Bá Kiến, Nghị Quế… làm khó dễ hoài. Chúng không cho cố định một chỗ, nại ra nhiều lý do dẹp quán, khỏi ai lui tới bàn chuyện “quốc sự” nữa. Một bạn đồng tâm hay tin có thơ an ủi:

Bên đường bác mới dựng lều tranh,
Được lệnh truyền đi, thế cũng đành.
Những tưởng chân đê là vững chãi,
Nào ngờ mặt đất cũng lênh đênh.
Sự đời đã trải mùi cay đắng,
Thân thế còn thêm nỗi bấp bênh.
Dỡ lớp ấy đi, làm lớp khác,
Riêng lòng, lòng vẫn rộng thênh thênh…

Nhận được thơ an ủi của bạn phải mừng chứ? Thế nhưng hằng ngày ông vẫn cứ ưu tư. Mặt mày bí rị. Thở dài bực dọc. Tại sao thế? Thú vui tao nhã ngày trước của lớp người có học là khi nhận thơ của bạn, họ thường họa lại nguyên vận. Tuy nhiên, vần “đênh” của bài thơ này khó xơi quá! Cuối cùng, ông đành viết vỏn vẹn chỉ hai câu:

Nó mà cứ đuổi thì ông… xéo.
Chỉ ức thơ mày hạ vận “đênh”.

Trong tiếng Việt, ngoài “lênh đênh” còn có gì “đênh” nữa không?

Sáng nay, từ lan can của Hội Nhà văn nhìn xuống đường Trần Quốc Thảo thấy nắng đẹp quá. Ngày xanh quá. Dòng đời rộn rã. Bừng lên sức sống. Và cứ thế nhịp ngày lao đi. Trong khi đó, các nhà văn ngồi đây, nói với nhau những gì? Và viết cho bạn đọc những gì? Viết gì về cuộc đời, về cõi nhân sinh? Anh bạn ra sách mới, tâm sự hồn nhiên, đại ý, mỗi lần muốn in thơ cứ việc bảo con cái. Chúng xuất tiền cho ngay, không chất vấn một câu. Được thế sướng quá. Giây lát sau nhà thơ nọ phát biểu, trường hợp của chị lại khác. Muốn có tiền đi làm từ thiện, con cái cho ngay, thậm chí còn khuyến khích; thế nhưng, khi chị xin tiền in thơ, chúng cương quyết không. Nhất quyết không. Tuyệt đối không. Một xu cũng không. Cơn cớ làm sao lớp trẻ ngày nay lại ghét thơ đến thế?

Ấy vậy mà, dạo này, dạo nọ trên cơ quan truyền thông rộ lên về chuyện “đạo thơ”. Cũng vì cái danh. Người này “thuổng” thơ của người nọ. Tranh cãi ì sèo. Đòi kéo nhau ra tòa. Thiên hạ có nhiều ý kiến khác nhau. Tưởng chừng như bầu trời sắp sập. Khiếp quá. Phải nói thật rằng, lâu nay, có còn mấy ai quan tâm đến thơ nữa đâu. Nhân xẩy ra vụ thưa kiện, nay, thơ bỗng dưng “có giá” hơn không? Chắc là không. Trong thế giới quái quỷ này, thơ đang đứng ở đâu trong lòng bạn đọc. Đã có những bài thơ nào tạo ra hiệu ứng xã hội trong đời sống này. Đã có những vần thơ nào đã khiến con người ta nhìn lại vai trò công dân, tự chọn lựa một thế đứng, cất lên tiếng nói của chính suy nghĩ tự đáy lòng trong sự xô bồ của nhiều giá trị hoặc bị đánh tráo, hoặc “mạ vàng” hoặc đã lỗi thời? Tìm đi. Đốt đuốc giữa ban ngày, tìm đi, có tìm thấy không?

Y không biết. Chỉ biết rằng, tình yêu của công chúng dành cho thơ ngày càng tiêu điều quá. Dù biết thế, các nhà thơ vẫn không nản chí. Vẫn dũng cảm oanh liệt. Vẫn bền lòng kiêu hãnh. Vẫn ngày đêm vung tay múa bút với câu chữ như đang nhắm mắt đi trong cõi mơ siêu thoát khỏi cuộc đời. Đáng yêu thay. Ái ngại thay. Mà thôi, mỗi người có quyền chọn cho mình một niềm vui, một lẽ sống miễn là cuộc chơi ấy không phiền lòng đến vợ con, bạn bè, hàng xóm là được. Chỉ là “Hương bay bốn hướng, khói vương bốn trời” thôi mà. Có gì đâu.

L.M.Q

(nguồn: Báo ANTG giữa tháng số 102 tháng 7.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com