BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Sống ở làng, sang ở nước

LÊ MINH QUỐC: Sống ở làng, sang ở nước

 

SONG-O-LANG-SANG-O-NUOC-1R

 


Thử hỏi đâu là từ “đặc Việt”?

Trong quyển Nỗi oan thì, là, mà (NXB Trẻ - 2011), nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân chọn từ “nước”: “Người Việt dùng từ nước để chỉ “lãnh thổ dân tộc” như Nước Việt Nam; “làng nước” để chỉ người cùng làng v.v...”. Và ông trích dẫn thêm ý kiến của Nguyễn Kim Thản: “Thú vị là từ làng cũng gắn với “những dải nước lớn” vì người Việt cổ “quần cư quanh những dãi nước lớn (cũng như đồng bào miền núi thường quần cư bên bờ suối, bờ sông) mà ngày xưa gọi là LANG và sau này khi tiếng Việt đã có thanh điệu, cơ sở quần cư ấy gọi là LÀNG)” (tr.257).

Tần số chỉ về làng xuất hiện trong ca dao, tục ngữ có nhiều ngữ nghĩa khác nhau rất thú vị: làng mạc, làng xã, làng xóm… “Trong họ ngoài làng”, ngoài mối quan hệ họ/dòng họ còn là sự gắn kết với làng. “Làng theo lệ làng, nước theo lệ nước”, thậm chí “Phép vua thua lệ làng”. Sống trong một làng, đừng quên: “Làng thương hơn nương kín”. Đến lúc cấp bách nhất, ai cũng la toáng lên: “Ối làng nước ơi!”. Tùy vùng miền lại thay từ “ối” bằng “quớ” hoặc “bớ”! Cụm từ “la làng/la làng la xóm” - từ ngữ cảnh trên mà ra. Thành ngữ có câu: “Vừa la làng, vừa ăn cướp” là mắng kẻ gian trá, xảo quyệt, dù làm việc sai trái nhưng lại mồm loa mép giải, bù lu bù loa như thể mình là nạn nhân.

Trong làng, không một ai có thể sống riêng lẻ: “Lụt làng thì lút cả làng/ Muốn cho khỏi lụt thiếp chàng cùng lo”. Sự gắn bó mật thiết ấy, nẫy sinh tâm lý: “Lấy chồng khó giữa làng, còn hơn lấy chồng sang thiên hạ”. Trai tráng nơi khác chớ hòng béng mảng tới tán tỉnh, gạ gẫm: “Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng”. Nghèo thì nghèo, túng thì túng nhưng “Thiếu thuế vua, chứ ai thua việc làng”. Nhục lắm. Sợ nhất, lo nhất vẫn là “nợ làng”: “Cóc chết bỏ nhái mồ côi/ Chẫu ngồi chẫu khóc: Chàng ơi là chàng/ Ễnh ương đánh lệnh đã vang/ Tiền đâu mà trả nợ làng ngốc ơi!”.

“Mõ làng” có phải là cái mõ chung của làng như ta đã hiểu về đình làng, hội làng, “Ðất vua chùa làng” hoặc:“Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”? Không hề, “mõ làng” lại là… thằng mõ! Nó chính là cái “mõ làng”. Chỉ dân “ngụ cư” không thân thế, không đất cắm dùi, nghèo xác nghèo xơ mới làm cái nghề mà dân làng cho là hèn hạ. “Đò đọc phải tránh đò ngang/ Ngụ cư phải tránh dân làng cho xa”. “Mõ làng” hiểu rộng ra là lúc thằng mõ thông báo thông tin nào đó cho cả làng, oái oăm, thành ngữ lại có câu: “Đánh mõ không bằng gõ thớt”. Vậy hóa ra, chuyện gì cũng mặc, vẫn không thể hơn “gõ thớt” tức âm thanh của băm, chặt thịt thà, gà qué, cá mú báo hiệu sắp có cuộc đánh chén!

Với người Việt: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. “Miếng giữa làng” cụ thể nó ra làm sao? Xin đọc lại tập phóng sự nổi tiếng Việc làng của nhà văn Ngô Tất Tố. Đại khái, lúc cúng đình, khao vọng, hiếu hỉ, lễ tết gì gì đó, theo thứ tự các bậc tiên chỉ, đàn anh, quyền chức nghiễm nhiên được chia những phần ngon nhất, cấm dân đen chớ hòng đụng đũa. Dù chẳng nhiều nhặn gì nhưng một khi phân chia không đúng, không đủ ắt dẫn đến kiện tụng nhì nhằng, dù bán vợ đợ con, bán nhà bán ruộng cũng quyết kiện cho ra nhẽ. Không chỉ do “mất ăn một miếng lộn gan lên đầu” mà còn vì đụng chạm đến danh dự, quyền lực...

Một người hí hửng khoe với vợ: “May cho anh quá, sếp mới cùng làng. Anh được nâng đỡ là cái chắc”. Ý muốn nói họ sinh cùng một làng, gọi “người làng”. Vậy, những nhà cùng chung một làng ắt gọi “nhà làng”? Không, đó là nơi nhóm họp, bàn việc của làng, xét xử, nếu cần cũng là nơi tuần canh tạm giam giữ tội phạm; trong Nam, gọi “nhà việc”. Giới sân khấu hát bội, cải lương có lệ thờ “Ông làng”- có thể tượng bằng gỗ, đất sét được họ xem là ông Tổ nghề.

Những người kiếm sống cùng một nghề cũng được gọi là “làng”, chẳng hạn: làng văn, làng báo, làng thơ, làng đánh cá… Làng nào cũng có sự tự hào, được thiên hạ tôn trọng nhưng “làng bẹp”, “làng chơi” lại bị miệt thị, xa lánh. Từ “bẹp” kè kè đi sau từ “làng” hiểu ra làm sao? Do nằm nghiêng kéo dọc tẩu thuốc phiện, hút xách từ ngày này qua tháng nọ “làm cho đôi tai anh (ta) bẹp dí” như nhà văn Nguyễn Công Hoan đã viết?

Lại có lúc tùy trường hợp, người ta không gọi “làng” mà sử dụng từ khác. Chẳng hạn, phường chèo, phường bát âm, phường xỏ lá, phường đĩ rạc… “Phường” cũng là từ chỉ những người cùng nghề, có đặc điểm chung nào đó. “Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường”. Còn có một từ cũ hơn nữa là “chạ”, cũng nhằm để chỉ “Một đoàn thể của những người làm chung một nghề” (Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức - 1931). Tuy nhiên, với những người cùng quây quần kiếm sống trên mặt sông lại không sử dụng các từ nêu trên. Phải gọi là “vạn” như vạn chài, vạn lưới…

“Làng” kết hợp với từ khác để có nghĩa phái sinh. Chẳng hạn, một người mẹ mắng con: “Tí nữa nấu xong, mẹ cho ăn. Làm gì mà cứ làng chàng mãi thế?”. Làng chàng là láng cháng, làng ràng, chàng ràng, cứ xớ rớ, quanh quẩn một chỗ. Ca dao Nam Trung Bộ có câu thật hay: “Chợ chiều nhiều khế, ế chanh/ Nhiều con gái tốt nên anh chàng ràng/ Chàng ràng như ếch hai hang/ Như chim hai ổ, như nàng hai nơi”. Hai câu cuối giải thích “làng chàng” rất hay, ấn tượng. Còn “làng quàng” lại khác. Có nghĩa như lạng quạng, loạng quạng, chệnh choạng ví như ta nghe câu mắng: “Thằng kia nhậu quắc cần câu, say tới bến mà còn phóng xe chạy làng quàng cũng có ngày… mặc áo sơ mi gỗ!”.

“Làng xàng”, tùy ngữ cảnh có thể hiểu như làng nhàng, qua loa, sơ xài, sơ xịa. Mà không chỉ có thế, thử so sánh 2 câu: “Em gái tớ, học hành làng nhàng, nhưng xinh xắn nên khối chàng mê tít”; và câu: “Cũng chẳng giàu mà cũng chẳng sang/ Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng”. “Làng nhàng” câu trên hiểu theo nghĩa làng xàng. Còn “làng nhàng” trong câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến lại chỉ về vóc dáng của người gầy. Rồi đôi khi “làng” đứng riêng biệt, lại không thể hiểu theo nghĩa “Làng trên xóm dưới” mà chính là “mờ/mắt mờ”, không nhìn thấy rõ. “Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi” cũng bởi do mắt bị “làng” đấy thôi.

Đến nay, có những thành ngữ liên quan đến làng, nay vẫn chưa ai hiểu rõ nghĩa. Xin nêu ra, nhờ các bậc hiền nhân quân tử giải thích giúp, chẳng hạn: Ơn vua giấy vàng, ơn làng giấy trắng; Sống ở làng, sang ở nước; Quan sang bởi làng mà ra…

L.M.Q

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười 1.7.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com