BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Gặp người có nghĩa, tui muốn chào làm quen

LÊ MINH QUỐC: Gặp người có nghĩa, tui muốn chào làm quen

 

gapnguoiconghia-toi-muon-chao-1R

 


Xin nhắc lại, cụ Đồ Chiểu sinh ngày 13.5 Nhâm Ngọ (1.7.1822) mất ngày ngày 24.5 Mậu Tí (3.7.1888).

Theo sự hiểu biết của y, Lễ kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu trước nhất có lẽ là chương trình do Hội Khuyến học Nam Kỳ tổ chức từ ngày Chủ nhật 27.6.1943 đến ngày thứ Ba 29.6.1943. Có nhiều hoạt động phong phú. Chẳng hạn, ngoài phần nghi lễ, thuyết trình còn có trình diễn vở tuồng Nguyệt Nga cống Hồ tại Nhà hát lớn Sài Gòn do nhà văn Hồ Biểu Chánh soạn, nghệ sĩ Nam Phỉ thủ vai chính… Năm 1963 cả nước kỷ niệm 75 năm ngày mất Cụ Đồ Chiểu, ít ai biết, bấy giờ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng tổ chức tại vùng giải phóng Ấp Bắc.

Năm 1971, kỷ niệm lần thứ 150 năm sinh của cụ Đồ thì sao?

Nhờ đọc tập Kỷ yếu Lễ kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu tại miền Nam, y biết, chương trình lần này quy mô lớn hơn nhiều - “nhằm làm sống lại hình ảnh hào hùng của một văn tài lỗi lạc, một nhà đạo đức đáng kính, một bậc chí sĩ đầy khí phách” - kéo dài từ ngày 11.7.1971 đến ngày 19.7.1971. Đây là hoạt động nhằm kỷ niệm 150 năm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, tính theo tuổi ta. Mở đầu là cuộc viếng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu tại Ba Tri (Bến Tre) - trong đoàn có nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Mộng Tuyết, Kiên Giang, nghệ sĩ Năm Châu, nhà báo Phan Kim Thịnh v.v…; sau đó, GS Nguyễn Duy Cần thuyết trình Con người toàn diện Nguyễn Đình Chiểu tại Đại học Văn khoa Sài Gòn; tại Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn diễn tuồng hát bội Lục Vân Tiên do nhà nghiên cứu Đỗ Văn Rỡ soạn; triễn lãm sách báo, tem thư Nguyễn Đình Chiểu v.v… Báo chí trong Nam như Văn Học, Đối Diện, Bách Khoa, Tin Văn… đều thực hiện chuyên đề về Nguyễn Đình Chiểu.

Trong thời điểm đó, tại miền Bắc, lại tổ chức vào tháng 7.1972. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nêu rõ: “Thông qua kỷ niệm lần này, cần động viên học tập và phát huy tinh thần yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, củng cố lòng tin sắt đá vào tiền đồ của Tổ quốc, nâng cao ý chí chiến đấu, bảo vệ và tăng cường miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ra sức chi viện tiền tuyến lớn đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Dịp này, NXB Khoa học xã hội Hà Nội có xuất bản tập sách Nguyễn Đình Chiểu - tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật, dày 670 trang.

Sự kiện mới nhất liên qua đến Nguyễn Đình Chiểu là Lục Vân Tiên cổ tích truyện, vừa được NXB Văn hóa Văn nghệ phát hành bằng 3 thứ tiếng Pháp, Việt, Anh.
Về bản dịch truyện thơ Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp, lần đầu tiên vào năm 1864, G.Aubaret dịch, đăng trên Journal Asiatique ở Paris. Theo dịch giả: “Truyện thơ Lục Vân Tiên này phổ biến trong dân gian đến mức ở Nam Kỳ không một người đánh cá hay một người lái đò nào nào mà không hát một vài câu thơ khi họ chèo thuyền”. Năm 1883, Abel des Michel dịch và xuất bản ở Paris v.v…

Không ngờ, còn có một ấn phẩm khác nữa. Chuyện rằng, bản dịch Lục Vân Tiên năm 1883 đã khơi nguồn cảm hứng cho Eugène Gibert - một sĩ quan hải quân Pháp, công tác tại Huế từ 1895 đến 1897. Ý tưởng thực hiện bản tranh minh họa tác phẩm này được giao cho họa sĩ Lê Đức Trạch -  một Nho sĩ cung đình Huế. Năm 1899, khi về lại Pháp, Eugène Gibert đã trao tặng bản thảo hoàn chỉnh này cho Thư viện Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ Văn (Paris). Mãi đến năm 2011, nó mới được các nhà nghiên cứu của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp phát hiện, sau đó, dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp. Đây là tác phẩm có 139 tờ tranh nhiều màu sắc, minh họa toàn bộ truyện thơ Lục Vân Tiên. Độc đáo quá.

Nhân đây xin “khoe” một chút: lúc theo học Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng Hợp, sinh viên thế hệ thập niên 1980 của y được nhà trường tổ chức đi sưu tầm văn học dân gian tại An Giang. Và sau đây là những gì y đã ghi chép ở Cốc Đá Nổi, có liên quan đến cụ Đồ Chiểu và tác phẩm Lục Vân Tiên.

Cốc Đá Nổi hiện nay, nằm trên dòng kênh 20 thuộc ấp Bình An, xã Bình Phú, huyện Châu Phú (An Giang). Truyền thuyết kể lại rằng: Vào khoảng đầu thế kỷ những người yêu nước hoạt động trên núi Cấm bị Pháp khủng bố phải tránh về một gò đất gần mương bà Phán Nhơn. Trong một đêm tối trời giông bão dữ dội, ông Bảy, một người trong nhóm nghĩa quân đã nằm mơ thấy ông Bụt hiện ra bảo đào sâu xuống chỗ gò ông nằm thì sẽ thấy báu vật. Sáng dậy, ông Bảy làm theo thì thấy dưới ấy có đủ cột, kèo, gạch, ngói và chén, bát quý… Tất cả những thứ ấy đủ để xây dựng một ngôi chùa. Sau đó, một ngôi chùa được dựng lên, tức chùa Trung Sơn Tự ngày nay. Và gò đất ấy đổi tên là Cốc Đá Nổi. Xem như gò đất này nổi lên giữa dòng kênh như một sự thiêng liêng, huyền bí…

Bà Bảy Từ, năm nay 75 tuổi, ở cùi cụi một mình lo nhang khói cho chùa Trung Sơn Tự kể lại chuyện đó. Theo bà, người ta thêu dệt câu chuyện này thêm phần huyền bí cũng không ngoài lôi kéo, quy tụ nhân dân ở vùng này đứng lên về phía nghĩa quân chống Pháp. Đó cũng là một trong những biện pháp tuyên truyền chính trị thời bấy giờ. Từ nhà anh Tư Hây, trưởng ấp Bình An, chèo xuồng cui đến Cốc Đá Nổi phải mất hơn một tiếng đồng hồ.

Trong lúc ngồi nghỉ mệt, y nhờ bà Bảy Từ hò lại một số câu hò còn nhớ từ thời son trẻ để ghi chép. Trong hàng trăm câu ca dao, dân ca ghi được trên vùng sông nước này - y đặc biệt chú ý đến câu hò, câu hát có liên quan đến tác phẩm Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu.

Xin trích những câu hò, câu hát chưa mấy phổ biến, in ấn trên báo chí - nhằm cung cấp thêm một ít tư liệu chung quanh ảnh hưởng của truyện thơ lừng danh của cụ Đồ Chiểu: “Huyền Trang Tam Tạng tu cần/ Tám mươi mốt nạn mà không lụy mình/ Trịnh Hâm là đứa bạc tình/ Thời sau mắc nạn thiên đình xử phân/ Vân Tiên mắc nạn mấy lần/ Thời sau, người được ấn rồng trị dân/ Nguyệt Nga trinh tiết liều thân/ Gian nan xá kể gai chông đã nhiều”. Bà Bảy Từ còn hò ở một đoạn khác: “Nói cho thiên hạ xét soi/ Vân Tiên nào phải con nòi đế vương/ Bởi chưng tâm tánh hiền lương/ Thấu đến thiên đình trời phật mến thương/ Cho chàng kế vị Sở Vương/ Trịnh Hâm là đứa bất lương ra gì”.

Phải chăng, những câu hò câu hát ấy đã có nhuốm màu sắc tôn giáo?

Điều này cũng dễ hiểu, GS Trần Văn Giàu lúc đi tìm Mấy đặc tính nông dân đồng bằng sông Cửu Long - Đồng Nai đã phát hiện ra rằng: “Trong thời kỳ thuộc Pháp, xuất hiện hai nhân tố lịch sử đã ảnh hưởng lớn tính chất của nông dân Nam bộ: Cách mạng và Tôn giáo, hai nhân tố đó tác động không ngừng"; “cả hai đều ráo riết tuyên truyền và cả hai đều ảnh hưởng sâu sắc đến tâm trí dân làng”. Có thể tìm đọc bài này trong Tổng tập Trần Văn Giàu. Hai nhân tố đó, phản ánh được quan niệm “ở hiền gặp lành”, căm ghét kẻ độc ác bạc nghĩa, bạc tình như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm… Họ yêu mến người có nhân có nghĩa như Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga…

Hiu hiu gió thổi vườn đào
Gặp người có nghĩa, tui muốn chào làm quen

Đằm thắm nhưng không kém phần quyết liệt:

Tôi đây họ Lục Vân Tiên
Cả tiếng kêu người nghĩa bên chiếc tiểu thuyền
Khoan khoan bớt mái
Đợi tui kết nguyền gá ngãi lương duyên

Còn gì thứ vị hơn về An Giang, mùa nước nổi, lúc chèo xuồng hái bông điên điển vàng rực, lại được nghe những câu hò vọng lên. Nam hò: “Em ơi! Gái kiếm chồng nơi giàu sang nương tựa/ Đặng sáng với chiều lên ngựa xuống xe/ Đừng lấy thằng ghe chài, ngồi lườn, tối lại nằm be/ Để thân con gái má phấn không kẻ chở che, uổng đời”.  Nữ đáp: “Chuyện nợ duyên, ông Tơ bà Nguyệt định bởi trời/ Anh ơi đừng giở thói bốc rời/ Giả như Bùi Kiệm để tiếng đời hậu lai”. “Bốc rời” là thói gì? Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: “Bốc rời: Chởi lỡ không biết tiếc tiền”; còn “nằm be” là nằm bên “be rượu” chăng?

“Mựa đừng tham sắc mê tình/ Hãy ngó Vân Tiên ăn ở chí tình thủy chung/ Con rắn hổ nó mổ con rắn rồng/ Tiền kẽm xỉa với tiền kẽm, tiền đồng xỉa riêng/ Nguyệt Nga ở với Vân Tiên/ Anh em Bùi Kiệm ngồi riêng ra ngoài”. Mựa là chớ; xỉa là cách đếm tiền đồng: giắt vào, mắc vào. Không chỉ nhân vật láu cá, lừa thầy phản này, người dân Nam Bộ còn ghét lắm người này nữa: “Ngư ông nay chích mai đầm/ Chiều nghe chim kêu, sáng nghe cá nhảy, tránh chuyện đời năm bảy tiếng thị phi/ Em ở làm chi như Võ Thế Loan toan phụ anh Vân Tiên mù lòa con mắt/ Anh lớn tiếng kêu thấu Nam Tào giũ sổ mau bắt gái lang tâm cho rồi”. Đúng như Xuân Diệu đã nhận xét, vào Trung, Nam câu lục bát truyền thống đã biến thể về câu chữ, cách gieo vần...

Sau đây, ghi trọn vẹn một bài hát mà ông Trần Văn Học - năm đó, 70 tuổi, ở ấp Bình Quới, xã Bình Phú, còn nhớ được. Một bài hát từng được phổ biến sâu rộng ở Nam bộ trong những năm 20 của thế kỷ XX, không rõ tác giả: “Người tiên cô phụ, người tiên không vợ/ Gái vô phu, tố nữ không chồng/ Phạm Công xưa cũng có lòng/ Vai mang bức tượng vốn trông nước nhà/ Đời xưa có chị Nguyệt Nga/ Vân Tiên mắc nạn đã ba năm trời/ Tiểu Đồng vốn thiệt người ngay/ Nằm lăn mà khóc ngày ngày khổ lao/ Cơm không ăn thì đói, miệng không nói thì câm/ Có ông tiểu chánh thành hoàng/ Làm trai như ai, làm trai như chàng giống bực trượng phu/ Làm gái hiền thê như thiếp, đại trượng phu kết nguyền”.

Cùng ra Cốc Đá Nổi với y còn có ông Tư Dện - năm đó đã 65 tuổi (ở ấp Bình Thới) còn khỏe mạnh và trí nhớ tốt. Và qua ông Tư Dện, y được biết: Thời xưa ở Nam Bộ, ngoài nghệ thuật hát thơ Lục Vân Tiên theo bộ và không theo bộ - còn có nghệ thuật hát thơ rơi theo điệu Vân Tiên. Đó là những bài thơ viết theo thể song thất. Những bài thơ này phần nhiều do lớp người hay chữ sáng tác ra, nội dung là tâm sự nhớ nhung, hẹn hò thề non hẹn biển của trai gái gửi cho nhau. Nhưng cũng có khi là tâm sự của những người xa xứ gửi cho người thân của mình - như bài Xứ Trà Lơn...

Những người xẩm ở bến phà, bến xe hát thường hát thơ rơi cùng truyện thơ như Thơ thầy Thông Chánh, Thơ Sáu Trọng, Sáu Nhỏ, v.v… Ai muốn học thuộc, phải cho người xẩm 2 cắc để họ dạy lại. Xin trích một đoạn thơ rơi có liên quan đến truyện Lục Vân Tiên: “Chiều trời mát ngợi khoanh tay ngọc/ Gió hiu hiu nhớ tới bạn vàng/ …/ Đêm năm canh trong dạ bồi hồi/ Ngày sáu khắc không nguôi dạ ngọc/ Đó em noi cô Nguyệt Nga mà học/ Họa tượng chồng thờ Lục Vân Tiên/ Nào hay đâu cống xứ qua Phiên/ Nhảy xuống sông xa vời hồn phách/ Lòng dặn lòng xin em chí mực/ Em đừng thương đó bỏ đăng/ Tiếc cuộc đời như thể bóng trăng/ Khi tỏ rạng đến ngày lại khuyết…”.

Những điều ghi chép ở Cốc Đá Nổi không chỉ có thế, xin chép luôn câu đố phổ biến ở Nam Bộ: “Ai vừa ra khỏi trường thi/ Nghe tin mẹ vãng, vật mình khóc than?/ Ai mà bị bỏ vào hang/ Về sau thi đậu làm quan tại trào?”. Xin thưa, đó là chàng “hiệp sĩ” Lục Vân Tiên - “nhân vật điển hình” trong văn chương Việt Nam, chứ ai. Nhân vật ấy, thời nào cũng có, gặp họ, tự lòng ta đã ngưỡng mộ, đã cất lên tiếng nói: “Gặp người có nghĩa, tui muốn chào làm quen”.


L.M.Q
(nguồn: Báo ANTG cuối tháng số 178 - tháng 6.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com