BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Làm trai cứ nước hai mà nói

LÊ MINH QUỐC: Làm trai cứ nước hai mà nói

lamtrai-cunuochai-ma-noi

“Lạy trời mưa xuống/ lấy nước, tôi uống/ lấy ruộng, tôi cày/ lấy đầy bát cơm…”, ngay từ thơ ấu, qua bài đồng dao này, ai ai cũng cảm nhận được sự quan trọng của nước. Trong công việc làm nông, “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nước vẫn đứng vị trí trước nhất.Người Việt có hàng loạt từ chỉ về trạng thái, sắc thái của nước như nước mội: nước rỉ ra từ mạch nước ngầm; nước rặt, nước sát, nước rọt, nước cạn… có thể hiểu nôm na do nắng hạn lâu ngày, chỉ còn nước giữa lòng lạch hoặc cạn sát đáy; có thể liệt kê thêm nước kém, nước ngược, nước xuôi,  nước ròng, nước ương v.v… Ở vùng đất nhiều sông nước, càng thấm thía câu tục ngữ:  “Có phước đẻ con hay lội, có tội đẻ con hay trèo”.

Nước, tất nhiên phải chảy, nhưng cũng có khi không thèm luân lưu mà lại đứng: “Nước không chân sao kêu nước đứng/ Con cá không trèo sao nói cá leo?”. “Nước đứng”, chỉ nước đứng yên lúc thủy triều lên cao nhất. Không chỉ thế, còn có “nước nổi” tức nước dâng lên ngập đồng ruộng. Về miền Tây Nam bộ vào dịp đó, nếu đã thưởng thức món cá linh nấu canh bông điên điển, sau này nhớ lại ắt còn thèm đến nổi chảy nước dãi - tức nước miếng, nước bọt.

Nước không chỉ “đứng”, “nổi” mà còn lúc cao hứng “nhảy” nữa!

“Nước nhảy” là nước là bất ngờ nước dâng lên quá nhanh. Thành ngữ có câu: “Rằm tháng bảy nước nhảy khỏi bờ”. Sau khi “nước lên” ắt “nước rút”: “Nước lên rồi nước lại ròng / Đố ai bắt được con còng trong hang”. Cụm từ “Chạy nước rút” là chỉ hành động tăng tốc đến mức cao nhất khi chạy đua gần về đích. Cũng xin đừng quên, “lên nước” là dành chỉ vật dụng bằng gỗ, sừng, ngọc thạch… trở nên nhẵn, có thể do mài, lau chùi, sử dụng lâu năm. Nghe câu: “Cha chả, cái vòng ngọc thạch của chị đẹp quá, ngày càng lên nước” là vậy. Thế nhưng trong ngữ cảnh này lại khác: “Thằng chả được sếp nâng đỡ nên càng lên nước”, ý muốn nói kẻ đó “lên mặt ta đây”, xem thường mọi người. Còn “xuống nước” là tỏ ra khúm núm, nhượng bộ khi mình yếu thế; hoặc có khi dùng với nghĩa nhạt/mất màu.

Trong mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau, có nước lớn, nước nhỏ. Nhưng ở câu ca dao này, hoàn toàn không liên quan gì với ý nghĩa trên: “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi/ Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”.  Nhiều người còn nhớ “nước rông” lúc nó lên cao, ngập vùng trũng, đồng ruộng: “Nước rông, nước chảy tràn đồng/ Tơ duyên sẵn đó chỉ hồng chưa xe”. Nhà ngôn ngữ học Bùi Thanh Kiên cho biết, ở miền Nam: “Nếu con nước rông lớn quá, lớn hơn cả những con nước rông khác trong tháng hoặc hoặc trong năm đến nỗi ngập cao vườn tược thì được gọi là nước cái” (Phương Ngữ Nam Bộ, NXB Hội Nhà văn - tr. 1014). Điều thú vị là từ điển ngoài Bắc, kể cả Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên lại không thấy ghi nhận “nước cái”. Trộm nghĩ, trong trong trường hợp này, ngoài Bắc gọi “nước cả” - bằng chứng có câu: “Nước cả, cá to”.

Ngày tôi còn bé, thường gặp trong chợ quê miền Trung những người bán nước chè xanh, nước vối, nước đậu váng... Sống bằng nghề đó gọi là gì? Xin thưa, gọi là “đổi nước”, không một ai dại miệng gọi họ “bán nước”. Hình ảnh dễ thương nhất với các cô thôn nữ, có lẽ vẫn là lúc: “Hỡi cô gánh nước đường xa/ Còn bao nhiêu gánh nữa, để qua, qua gánh dùm”. Câu thơ của Bàng Bá Lân: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”, nhiều người lại nhầm ca dao.

Đôi lúc, tự hỏi lẩn thẩn, nước… giống cái hay giống đực? Chắc có lẽ nó giống cái vì sờ sờ từ “con” đi theo đây nè: “con nước” - nhằm chỉ nước dâng lên hay rút xuống của thủy triều. “Thân em sao rẻ như bèo/ Đến con nước lớn bèo trèo lên sen”. Nói thế thôi, ở Cà Mau, lại có địa danh Cái Nước thì sao?  Thử nghe hai người trò chuyện: “Cô X trông “ngọt nước” quá chừng”; “Ừ, “điện nước” đâu ra đó. Có điều, cô ấy điệu quá”. “Điệu như thế nào?”. “Điệu chảy nước”. Có thể hiểu cô X xinh đẹp, mơn mỡn nhưng mỗi tội rất điệu. Lại nữa, “Quán cà phê Y, tớ đã ngồi “nát nước” từ lâu”, là muốn nói đã quen thuộc, rành rẽ nơi đó.

Ai lại không từng nghe: “Làm trai cứ nước hai mà nói”. Có thể hiểu “nước hai” là “nước đôi”, nói lấp lửng, lập lờ, không dứt khoát, có thể hiểu thế này/ thế kia. “Làm trai nói nước hai dễ chối”. Đã có “nước hai” ắt nước một là “nước nhất”. Có thể giải thích là nước lấy được ngay sau khi chưng cất, nấu rượu, sắc thuốc Bắc, làm nước mắm… chất lượng tốt hơn các lượt nước sau. “Trai tơ mà vớ nạ dòng/ Như nước mắm nhất chấm lòng lợn thiu”. “Nước mắm nhất” còn gọi “mước mắm nhỉ”. Sử dụng nhiều lượt nước, khiến nó loãng, mất mùi vị, gần như nước thường gọi “nước dão”.

Tục ngữ có câu: “Khôn ăn cái, dại ăn nước”, ý muốn nhắc nhở “Ăn lấy đặc, mặc lấy bền”. Nước, chất lỏng, phải “uống” chứ sao lại “ăn”? Chưa hết, lại còn nghe nói “nước ăn” nữa kìa, chẳng hạn, “Chà, ngập úng kiểu này, suốt ngày lội đồng, không khéo nước ăn chân”. Lại có khi nước “lẹo tẹo” với từ nước ngoài, chẳng hạn, “nước phông-tên (fontaine); nước rô-bi- nê (robinet); nước gia-ven (javel)…

Có lẽ thú vị nhất là từ “nước mẹ”. Thời thuộc Pháp, người Pháp kiêu hãnh vỗ ngực tự xưng “mẫu quốc Đại Pháp”. “Mẫu quốc” đích thị “nước mẹ” nhưng người Việt trả đũa bằng cách sử dụng nó như một tiếng chửi thế, mỉa mai, châm biếm. Hãy nghe Vũ Trọng Phụng tường thuật lúc Nghị Hách động phòng mà Thị Mịch đã ễnh ruột: “chợt lão ta vỗ vào bụng vợ bốp một cái, kêu to lên: “Thế này thì còn nước mẹ gì nữa!”.

Trong lời ăn tiếng nói, tầng số về “nước” xuất hiện rấy phong phú, đa dạng với nhiều ngữ nghĩa, hàm nghĩa khác nhau: đục nước béo cò; nước chảy chỗ trũng; nước chảy đá mòn; nước đổ bốc chẳng đầy thưng; nước đổ đầu vịt, nước đổ lá khoai; nước sông công lính; nước đến chân mới nhảy… Hoặc xoay hết nước, nước cờ, nước đời, tính đủ nước, nước kiệu, lấy nước, “cờ phải bí như bị phải mưa” v.v..

Có dịp, ta sẽ trở lại sau. Dịp nào? “À, lúc nào các bạn đãi một xị “nước mắt quê hương” chính hiệu con nai vàng, tớ sẵn sàng ngay”.


L.M.Q

(nguồn: Báo TTC ra ngày 15.5.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com