BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Hỗn như gấu, xấu như… Thị Nở

LÊ MINH QUỐC: Hỗn như gấu, xấu như… Thị Nở

 


xu-nhu-gau-xu-nhu-thi-no

 


“Sao có lúc nó hiền như đất”. Đó là câu thốt ra ngạc nhiên của Thị Nở khi hay tin Chí Phèo nghẻo cu đơ. Đọc bài thơ Tháng năm ra trận của Chính Hữu, ta nhớ đến câu: “Có người đi lính, hiền như đất”.  Trong tiếng Việt, có nhiều cách so sánh lý thú lắm. Nếu người phương Tây quen thuộc với câu “khỏe như Hec-quynh”. Mà Hec-quynh/Hercules là ai? Phải tìm đọc lại thần thoại La Mã. Người Việt lại nói: “Khỏe như voi/vâm”, chỉ cần nói thế là đủ, cứ nhìn thấy con voi bước đi lừng lững, đố ai dám nói nó “yếu như sên”?

Có lần Bá Kiến mắng Chí Phèo: “Anh bứa lắm”. “Bứa” là ngang bướng, ương gàn, hạng người “ba bứa” ương ngạnh. Thành ngữ có câu “ngang như cành bứa”, vì cành bứa nhánh dài, mọc xòe ngang. Lại còn có cách nói khác: “Cãi với ngữ ấy làm gì. Nó nói “ngang như cua”, chẳng có lý luận gì sất”.

Trong quan hệ xã hội, có nhiều người khôn ngoan một cách láu cá là mặc ai tranh luận, cãi nhau chí chóe, còn mình “ngậm miệng ăn tiền”, cứ việc “câm như hến”/“câm như thóc”. Đọc câu chuyện ngụ ngôn về thỏ và rùa, ai cũng thừa nhận “nhanh như thỏ”/ “chậm như rùa”. Tuy nhiên để chỉ những hành động, cử chỉ nào đó diễn ra rất nhanh, chỉ xẩy ra trong một khoảnh khắc thì có: nhanh như chớp, nhanh như điện, nhanh như gió, nhanh như biến, nhanh như thổi, nhanh như sóc. Ta biết “cắt” là “dùng vật sắc làm đứt ra” cái gì đó, nhưng “nhanh như cắt” lại khác. “Cắt” là loài chim ăn thịt, cánh dài, bay rất nhanh, mắt tinh, từ trên không thoáng thấy con mồi dưới đất là nó chộp trúng chóc.

Nào đã có ai thấy ma chưa? Thành ngữ có câu “lẩn như ma”, lại nữa “lẩn như chạch”, “lủi như cuốc”. Hầu hết các con vật đều được người Việt dùng để so sánh, còn có thể kể thêm: chạy như vịt; uống như trâu; run như dẽ; nhăn như khỉ; dữ như cọp; hỗn như gấu; khóc như ri; hót như khướu; ướt như chuột; nhát như cáy; nhát như thỏ đế; hôi như cú; nát như tương; uốn như sâu đo; ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm… Để chỉ số lượng nhiều, có câu “đông như kiến”, bây giờ lại có cách ví von khác, chẳng hạn: “Nói thiệt, tiền của tớ đông như quân Nguyên”. Quân Nguyên đông là thế, nhưng ba lần bị quân dân Đại Việt đời nhà Trần đánh cho tanh bành xác pháo!

Đứng sau thành ngữ “ướt như chuột”, xưa nay có 3 “đáp án”: lội/ lụt/ lột? Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ (NXB KHXH -1999) của Viện Ngôn ngữ học, cho rằng “ướt như chuột lột”, “do vần uột (chuột) và ụt (lụt) đứng kề nhau khó phát âm, theo nguyên tắc đồng hóa trượt, ụt (lụt) được trượt sang ột (lột) dễ đọc hơn” (tr.395). Khi nghe câu: “Chà, mẻ ấy chua như mẻ”, sự đồng âm ở đây rất thú vị, “mẻ”: con mẹ ấy; “mẻ”: chất chua làm từ cơm nguội lên men. Không chỉ, “chua như mẻ” còn có: “Chanh chua thì khế cũng chua/ Khế chua chữa được, chanh chua ghê mồm”; “Ra về lòng lấy dặn lòng/ Chua chanh chớ phụ, ngọt bòng chớ ham”,

Trong truyện ngắn nọ của Nguyễn Công Hoan có câu: “Ông chủ đắc chí, cười ha hả, vuốt ve, vỗ mãi má nó, rồi bế nó vào lòng, hôn lấy hôn để, vui thú như được cậu con hay chữ vậy!” Nhà văn viết về người? Không, viết về… con chó của nhà tư sản. Vậy xem ra thành ngữ “bẩn như chó” chưa hợp lý lắm. Đúng thế, “bẩn” ở đây không hàm nghĩa bẩn thỉu, “bẩn như trâu dầm” mà nhằm chỉ tính cách keo bẩn, bủn xỉn, hẹp hòi quá mức. “Oan ông Địa” nhất là con bò, chẳng rõ dựa vào cái gì người ta thường bảo: ngu như bò; lơ ngơ như bò đội nón? Ngược lại: khôn như rận; khôn như rái; khôn như mại, dại như vích... Ai đó được khen khôn ngoan ắt là người khéo léo, biết cách ứng xử tốt nhưng “khôn ngoan rùa mốc” lại là chẳng khôn ngoan gì!

Qua những trích dẫn trên, ta có thể thấy rằng, không đâu xa, chỉ từ những con vật quen thuộc đã quan sát, người Việt mình có các so sánh cụ thể, dễ hiểu. Xin kể thêm một loạt “câu cửa miệng:” nữa, chẳng hạn so sánh với gà: Lép nhép như gà mổ tép; te tái như gà mái nhảy ổ; lộp bộp như gà mổ mo; nháo nhác như gà phải cáo; học như gà đá vách; lờ đờ như gà ban hôm; mặt tái mét như gà bị cắt tiết; mặt đỏ như gà chọi… Với mèo: Lèo nhèo như mèo vật đống rơm; ăn như mèo; tiu nghỉu như mèo bị cắt tai… Với chuột: Lù đù như chuột chù phải khói; rình như mèo rình chuột…; Với chó: Lải nhải như chó nhai giẻ rách; tâng hẩng như chó mất dái; dấm dẳng như chó cắn ma; lúng búng như chó ăn vụng bột, tiu nghỉu như chó cụp đuôi…

Rồi lại thêm các con vật khác như: Lờ đờ đờ như đom đóm đực; trộm cắp như rươi; len lét như rắn mồng năm; buồn như chấu cắn; lỗ chỗ như tổ ong; nhạt như nước ốc; lôi thôi như cá trôi xổ ruột; học như vẹt; lào xào như chào mào mổ dom; nói như két; học như cuộc kêu mùa hè; kêu như bò rống; lúc nhúc như rươi tháng chín; lấm như trâu vùi; lông bông như ngựa chạy đường quai; lò dò như cò bắt tép; trền trện như voi leo cao; thất thểu như cò; ốm như cò ma; vạy như troi (vạy: quậy/ troi:giòi); rách như tổ đỉa: (tổ đỉa: tên một loài cây mọc ở bờ nước, lá xác xơ); nhăn như khỉ; tỉnh như sáo sậu; tức như bò đá; dai như đỉa đói v.v…

Còn có thể kể nhiều thêm nữa. Nhưng thôi. Trước hết xin có nhận xét, sở dĩ thành ngữ, tục ngữ ấy tồn tại qua nhiều năm tháng chính vì các con vật đó phản ánh được tính cách, hành động, tâm lý… đang so sánh với người/ tập thể nào đó khác. Nếu chỉ là sự vận dụng, chỉ đơn giản nhịp nhàng cho có “vần”, chứ không phản ánh được nội tại của sự so sánh ắt khó có thể tồn lâu dài chăng? Chẳng hạn: chảnh như con cá cảnh; dốt như con tốt; đói như con chó sói; xinh như con tinh tinh (nói ngược); chán như con gián; ác như con tê giác; buồn như con chuồn chuồn; chuyện nhỏ như con thỏ; đau khổ như con hổ…

Và, xin nói thêm, với các chứng cứ nêu trên, thiết gì rằng, một khi so sánh, nếu cần ta vẫn có thể vận dụng thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt, chẳng gì phải vây mượn “điển tích/ điển cố” nước ngoài. Chẳng hạn, lâu nay khi nhấn mạnh ai đó xấu xí, ta thường nghe nói: xấu như ma; xấu như dạ xoa; xấu như cú; xấu như quỷ; xấu như ma mút; xấu như ma lem… Nay tôi đề xuất thêm: “Xấu như Thị Nở” nhằm “đối trọng” với điển tích “xấu như Chung Vô Diệm”. Nếu đồng tình với đề xuất này, bạn cứ việc comment và like nhá.
 

Tại sao lại không? Hehe.

L.M.Q

(nguồn: TTC 1.4.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com