BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Vài suy nghĩ lan man

LÊ MINH QUỐC: Vài suy nghĩ lan man

vaisay-nghi-lanman

 


Tối qua ngủ sớm. Đọc sách. Vẫn như mọi đêm. Vớ tay lấy hú họa tờ bào nào đó đọc chơi. Đêm qua, đọc tạp chí Phổ thông do nhà thơ Nguyễn Vỹ chủ trương, số 78. Mất bìa, chuyên mục “Đố bạn” có câu đố như sau: “Đây 3 con số: 628. Xin bạn lưu ý: Số 2 ở giữa chính là do hai số kế cận, số 8 trừ số 6. Bây giờ bạn thay đổi thế nào 3 con số ấy, lộn qua lộn lại, đảo lên đảo xuống, trừ, cộng v.v… thế nào cho ra còn số 1.089?”. Nhìn các con số đã hoa mắt rồi. Là ngủ ngon. Nhưng, trước đó nữa, làm gì?
Nghĩ lan man một chút.

Lâu nay, nói về chuyện sách, hầu như ai cũng nhắc đến ông Khai trí. Chiều nay rảnh rỗi, ghi lại bí quyết thành công của ông. May ra, ai yêu sách nếu đọc có thể rút cho mình kinh nghiệm gì chăng? Cuộc đời cần có nhiều ông Khai Trí. Làm nên tên tuổi của ông Khái Trí là gì?

Với câu hỏi này, ông bạn thơ Phạm Chu Sa trả lời rằng: "Ông Nguyễn Hùng Trương thường được gọi là ông Khai Trí, là người cực kỳ yêu quý sách, phải nói là mê sách và có một trái tim rộng mở với những văn nghệ sĩ khó khăn. Ông sẵn sàng đưa tay hỗ trợ những nhà văn nghèo gặp khó khăn, các cây bút trẻ chưa tên tuổi. Nhà sách Khai Trí là đơn vị bảo trợ xuất bản tập san Sử Địa và đồng hành với tập san suốt gần 10 năm (1966-1975). Sử Địa do một nhóm giáo sư và sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn chủ trương biên tập, Nguyễn Nhã - nay là Tiến sĩ Sử học - là người phụ trách chung. Dĩ nhiên, tập san nghiên cứu là loại ấn phẩm rất kén người đọc, cực kỳ khó bán, đơn vị bảo trợ phải thường xuyên bù lỗ. Tuy chỉ do một nhóm giáo sư và sinh viên chủ trương nhưng Sử Địa là một tập san nghiên cứu, sưu tầm, khảo cứu rất uy tín với nhiều số chuyên đề, đặc khảo còn nguyên giá trị cho đến hôm nay. Ngoài tập san Sử Địa, ông Khai Trí còn là người bảo trợ cho tuần báo Thiếu Nhi, một tuần báo giáo dục, in đẹp bán giá rẻ cho thiếu niên nhi đồng nên ông Khai Trí lại phải thường xuyên mở hầu bao bù lỗ".

Thiên hạ bây giờ nhiều người làm sách, quốc doanh, tư nhân đều có cả nhưng mấy ai dám thực hiện mục tiêu văn hóa lâu dài bằng túi tiền chính mình như ông Khai Trí?

Về bước đầu lập nghiệp, ông Khai Trí cho biết: “Tôi mê sách từ nhỏ, khi trưởng thành niềm đam mê cũng lớn theo, trong nhà chung quanh chỗ nào cũng sách là sách. Tôi nhớ một lần có mấy anh bạn đồng môn đến nhờ tôi kiếm mua hộ các anh 5 cuốn sách Pháp về văn học. Tôi cũng đang cần một cuốn để lưu, vì cuốn đó rất hiếm, xuất bản tại Pháp, nên các nhà sách ở trong nước không có. Tôi bèn gửi thư cho nhà xuất bản xin mua 6 cuốn, sau đó tôi được ông  giám đốc nhà xuất bản gửi thư cho biết, nếu tôi mua từ 10 cuốn trở lên thì sẽ được trừ 30% giá bìa” (Tạp chí Thế giới mới 23.2.1998).

Từ thông tin này, ông Khai Trí bắt đầu trở thành nhà phát hành nghiệp dư, nghĩa là tìm mua sách giá trị, quý hiếm rồi đem ký gửi, hưởng chệnh lệch. Muốn như thế, ông Khai trí phải có trình độ đánh giá chất lượng sách, phải có “mắt xanh” nhìn ra nhu cầu của thị trường đang cần loại sách gì. Trong vòng 4 năm với cách làm này, cộng với tiền dành dụm làm thuê, dạy học, ông đủ vốn để mở Nhà sách Khai Trí vào năm 1952.

Các nhà xuất bản hiện nay không có thói quen in Thư mục sách đã xuất bản trong năm. Nếu có, cũng chỉ đơn thuần in các tựa sách, ghi giá bán như một loại catologue quảng cáo. Đã quảng cáo thì không ai giữ lại lâu dài. Ông Khai Trí lại khác. Lật lại Thư mục 1973 của Khai Trí mới thấy thời đó, người Sài Gòn đã có tư duy “kinh tế thị trường” lắm rồi.

Xin liệt kê chi tiết, nếu có nhà xuất bản nào bắt chước làm theo, thật đáng khen: Trang bìa 2, “Danh ngôn về sách”; kế đến các bài như “Đọc sách” của Nguyễn Duy Cần; “Tủ sách gia đình”, “Tại sao phải lập một tủ sách riêng cho gia đình” của Phạm Cao Tùng; “Cái khoái đọc sách” của Chu Tử, “Tán dương quyển sách” do Hồng Nhân dịch nguyên văn bài viết của nhà văn Stéfan Zweiig, bài này đã in tạp chí Nam Phong (số 183 - 4.1933). Sau gần chục trang, mới vào phần Thư mục, phân chia sách theo các thể loại mà Khai Trí đã in.

Hết phần Thư mục là “Thư gửi Phụ huynh học sinh”; giới thiệu tờ báo Thiếu Nhi do ông Khai Trí và nhà văn Nhật Tiền chủ biên; bài dịch “Nghệ thuật đọc sách” của Adré Maurois - Hàn Lâm viện Pháp; “Cách giữ gìn cuốn sách”; “Nên ngồi đọc sách như thế nào?”, “Tủ sách của ta và bạn bè ta”, “Cuốn sách mắc nhất thế giới”; “Sách bán 9 triệu rưởi cuốn”; ngoài ra còn có các box nhỏ như “Đọc  sách một quyền lợi ít ai biết”; “Thư viện lớn nhất thế giới” v.v… Bài vở chỉnh chu, cần thiết mà lại biếu không cho những ai vào mua sách tại Khai Trí.

Thử hỏi, tập Thư mục này có xứng đáng giữ lại trong tủ sách không?

Sáng nay, trời mưa. Mát mẻ. Trong lúc ngồi vỉa hè cà phê, lại nghĩ lAn man. Còn nhớ  trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, có đoạn: “Hồi trẻ tôi quan niệm về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc mà mình yêu thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút đừng giàu. Nhưng hồi 50 tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần phải thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng”.

Hiện tại, y đang sống một xã hội mà nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê đang ước mơ đấy chăng?

Những ngày này, vấn đề Trường Sa - Hoàng Sa đang mối quan tâm thời sự của mọi người. Trong lịch sử nước nhà, có một điều đã trở thành “nguyên tắc” mà đứa trẻ học mẫu giáo cũng thừa sức biết: khi nước nhà suy yếu, nội bộ không đoàn kết, lòng dân bất an thì dứt khoát triều đình từ phương Bắc lại xua quân vượt sang biên giới nước ta.

Đọc sử, khoái trá nhất vẫn là triều Trần - một triều đại có công lớn nhất trong việc đánh ngoại xâm phương Bắc. Các ông vua Trần từ cha đến con đều không thèm sang chầu, bằng mọi cách thoái thác. Đời vua Trần Nhân Tông, bị thúc ép quá nên ngài cho chú họ Trần Di Ái và bọn Lê Mục, Lê Tuân sang chầu thay mình. Khi sứ nhà Trần sang, vua Nguyên ngang ngược phong Trần Di Ái  thay làm An Nam Quốc Vương, đã thế còn lập bộ máy cai trị nước ta gọi là An Nam Tuyên úy ti do người của chúng đứng đầu. Rồi sai Thượng thư bộ Lễ Sai Thung cũng là phó nguyên soái của An Nam Tuyên úy ti đem 5.000 quân hộ tống bọn Trần Di Ái về nước.

Chuyện gì đã xẩy ra?

Học sử, đọc sử khi biết được những tình tiết này, ai lại không rộn trong lòng sự hồi họp, lo lắng cho vận mệnh nước nhà?

Học sử là “ôn cố trí tân”, thế nhưng báo chí nhiều lần cho biết, khi đăng ký môn thi tốt nghiệp phổ thông lại "có trường không học sinh nào chọn môn sử". Bẽ bàng chưa? Trở lại đời nhà Trần. Sau khi biết việc làm ngang ngược của triều đình phương Bắc, vua Trần ngầm cho quân lên tận biên giới đón đánh, Sài Thung bị tên bắn mù một mắt phải trốn chạy; còn bọn Trần Di Ái bị bắt đem về Thăng Long trị tội. Chính sử nước nhà chỉ viết gọn vài câu, đọc xong, hả hê, sung sướng lạ lùng và có thể thở phào, tự hào khí phách cha ông mình.

Khí phách là thế, anh hùng là thế nhưng đời chúng ta thì sao? Tính cách người Việt hiện nay có còn như trước. Tất nhiên là còn.

Tuy nhiên, đôi lúc cũng nghĩ ngợi nhiều. Hôm nọ, điện thoại với anh Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tours) trao đổi vài điều, anh có nhắc lại câu cửa miệng của một thời khi nước ngoài chỉ nhằm “đại tu kinh tế, trung tu sức khỏe, tiểu tu kiến thức”, rồi anh trầm ngâm: “Khi ông chủ các tập đoàn Hyundai, Samsung, Daewoo... đang đi làm thuê vào cuối những năm 1960 thì Sài Gòn đã lắp ráp xe La Dalat. Vậy mà bây giờ, người Việt, nhất là các tỉnh phía Bắc, xin visa đi Hàn luôn bị làm khó. Với người Việt, xin visa khó và đắt nhất là đi Nga, chứ không phải Mỹ và châu Âu. Các nước Nhật, Singapore, Hàn Quốc... còn có bảng cảnh báo bằng tiếng Việt về những thói xấu của người Việt. Mọi việc đều có nguyên nhân, không phải tự nhiên mà họ hành xử với mình như vậy, vì đó là quyền của họ. Những người Việt chân chính chỉ cảm thấy buồn và xấu hổ, Q nghĩ thế nào?”.

Y không trả lời gì, chỉ tự nhủ: Vâng, ai cũng có nỗi đau ấy. Nhưng có lẽ, trước thông tin hắc ám ấy phải nên tự nhìn lại mình. Khi bàn về thói xấu người Việt, không phải hạ thấp, tự bôi mặt, vạch áo cho người xem lưng mà cần thiết để tự sửa mình. Rất cần thiết. Lỗ Tấn vĩ đại còn ở chỗ ông dám thẳng thắn chỉ ra thói xấu của người Trung Quốc, rồi sau này còn có Bá Dương với Người Trung Quốc xấu lậu. Không phải họ không yêu dân tộc họ mà ngược lại là khác.

Hôm nọ, đọc lại Áo mơ phai của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, có cảm giác như nhà văn đã kể lại câu chuyện cổ tích. Vang bóng một thời. Quá khứ xa xăm. Không gian Hà Nội. Nhân vật Hà Nội. Trong đó, Lan và Quang yêu nhau, mối tình học trò, trong sáng. Qua hẹn hò của họ, tác giả miêu tả đường phố, sinh hoạt, nề nếp của Hà Nội xưa. Có chi tiết này hay: Ngày nọ, Lan theo bố mẹ viếng cảnh chùa ở Sơn Tây. Lúc mọi người an tọa trò chuyện, nhà sư có mời Lan một chén trà ngon bởi nấu bằng nước tinh khiết lấy từ trên núi. Lan không dám nhận, sợ thất lễ. Nhà sư bảo bố mẹ Lan hãy cho cháu nhận. Được sự đồng ý của song thân, Lan mới dám. Nhà sư bảo, nếu không, mọi người bảo nhà chùa không hiếu khách.

Đọc chi tiết ấy, băn khoăn mãi. Tình người, mối quan hệ giữa người và người thời ấy sao lại đẹp đến thế. Cứ tưởng ở một thế giới nào, cõi nào đó. Hà Nội ngày ấy đấy ư?

L.M.Q

(nguồn: Tạp chí Suối Ngồn số 19, tháng 1.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com