BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Vui như Tết

LÊ MINH QUỐC: Vui như Tết


vuinhutet-ttc-1R

 

Nhà văn Thạch Lam hoàn toàn có lý khi cho rằng, ngày Tết không thể thiếu bánh chưng. Thú nhất vẫn là lúc thức canh nấu bánh vào đêm giao thừa: “Trời rét mà ngọn lửa ấm như giữ không muốn cho ta đi xa, giữ ta lại để hưởng những cái thú êm ấm trong gia đình, trong khi cả nhà đang ngồi xây quanh nghe tiếng nước nóng reo mà kể chuyện cũ”. Thích quá nhỉ?

Ngoài Bắc thường nấu bánh chưng, còn người Trung, Nam bộ lại nấu bánh tét. Nhiều người giải thích bánh tét do từ “tết” mà ra, trong khi đó, “tết” do “tiết” mà có. Giải thích như thế, đúng không? Khi cắt bánh ra từng khoanh, một tay giữ bánh rồi vòng sợi lạt qua thân đòn bánh, đầu dây này nghiến vào răng làm chuẩn, còn đầu dây kia lấy tay kéo mạnh một cách dứt khoát, gọi là tét bánh. Do phù thuộc vào lúc “tét” nên mới tên gọi bánh tét.

Thành ngữ có câu: “Năm hết, Tết đến” ý muốn nói sự tuần hoàn trong trời đất, quy luật của nó là thế, không gì thay đổi. Cũng là Tết, nhưng với người Việt và một số dân tộc Á Đông khác lại có cả Tết Tây và Tết ta. Tết Tây, gọi nôm na là Tết Dương lịch, bắt đầu từ ngày 1.1 của một năm; Tết ta là Tết Âm lịch, Tết Nguyên đán.

Trong một năm có nhiều Tết như “Tháng tư đong đậu nấu chè/ Ăn Tết Đoan ngọ trở về tháng năm”, Tết Trung thu… nhưng Tết Nguyên đán vẫn quan trọng nhất, vì thế, còn được gọi Tết nhất, Tết cả. “Tết nhất”, dễ hiểu rồi, vì nó là cái Tết thứ nhất, Tết đầu tiên mở màn cho một năm. Còn “Tết cả” là gì? Từ điển Huỳnh Tịnh Paulus Của từ năm 1885 giải thích: “Cả: lớn hơn hết, trọng hơn hết, khắp hết, hết thảy, trọn, chung”. Dấu ấn của từ “cả” này còn đậm trong ca dao, tục ngữ như: Đàn anh kẻ cả, Cả vú lấp miệng em, Kẻ cả thì ngả mặt lên, Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo, Chẳng tham ruộng cả ao liền/ tham về cái bút cái nghiên anh đồ, Ông cả ngồi trên sập vàng/ cả ăn cả mặc lại càng cả lo, Ông già bà cả v.v…. Tuy nhiên, chẳng rõ vì sao, trong gia đình ở ngoài Bắc, người con đầu gọi “con cả” (trai cả/ gái cả), trong khi đó, trong Nam lại gọi “hai” (anh hai/ chị hai)?

Tết đến bao nhiêu thứ phải lo, nhất là những người nghèo. “Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo”. Mà, “khôn ngoan đến cửa nhà quan mới biết/ Giàu có ba mươi Tết mới hay”. Đến ngày Tết, ngày nhất sự mua sắm, chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, chi tiêu ra sao có thể cho biết mức độ giàu nghèo của mỗi nhà. Rồi còn do quan niệm đến dịp cuối năm, mọi nợ nần năm cũ phải thanh toán hết, không day dưa qua sang năm, vì thế “réo như réo nợ ngày trước Tết” là thế.

Thời “tiền chiến”, nhà văn Tô Hoài có viết truyện ngắn Khách nợ, ta không khỏi bùi ngùi thương cho kiếp nghèo trong những ngày cận Tết, sợ bị nợ đòi phải bỏ nhà mà trốn. Đây là lúc lái Khế, người đi đòi nợ thuê xộc vào nhà con nợ: “Tự nhiên, lão vén quần đái một bãi ra giữa nhà... Tết, tết chẳng gợn một bóng vía ở nơi lạnh lẽo này. Nhưng lão nghĩ ra rồi. Lão xách chiếc bát hương xuống, đổ cát đi. Rồi tay cầm chiếc hèo hoa, kèm ống sổ, nách kia cắp cái bát hương, lão đi ra ngõ”. Ngay cả bài vị, bát nhang thờ ông bà ông vải cũng bị “xiết nợ”, còn gì là Tết nữa hở trời?

Tết nói chung là lễ đón chào năm mới, có vui chơi, lì xì, cúng quẩy, chúc mừng lẫn nhau, nhưng không chi có thế. Tết còn là lúc biếu xén, biếu quà bày tỏ tình cảm thân thiện lẫn nhau trong dịp xuân về Tết đến. “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”, “Sống Tết, chết giỗ” là nằm trong ý nghĩa đó. Người ta còn “tết” trong nhiều mối quan hệ khác nữa, chẳng hạn, người vợ bảo chồng: “Lúc nào mình đi Tết sếp hả anh?”, nghĩa là họ bàn tính lúc mang quà đi biếu cấp trên. Cái “tục lệ” này đã có từ thời xa lắc xa lơ, rồi dần dấn biến thành cái sự tệ hại mà nhà văn Ngô Tất Tố mỉa mai: “Không có giò nem, bánh trái, ông bà, ông vải cũng không bắt tội nào, nhưng không có cái vi thiềng kia, thì có khi họ sẽ không thể sống được bình yên trong năm sắp tới”. Và ông gọi đó là “thuế ngày Tết”: “Thuế còn có khi khất được, chứ cái số tiền ngày Tết phải nộp thì ai cho khất bao giờ?”. Oái oăm chưa? Quà biếu dịp Tết đã mất đi ý nghĩa tốt đẹp, trở thành dịp đút lót, cơ hội nịnh nọt, không có là không xong!

Có lẽ, nhà văn Nguyễn Công Hoan là người trước nhất phản ánh một cách lễ Tết hiện đại hơn nhiều. Ấy là… đưa vợ mình đến cho sếp! Cô vợ nước mắt chảy ròng bảo chồng: “Thiếu gì cách lễ Tết mà cậu phải làm tôi nhục nhã thế này?”. Người chồng trợn mắt: “Câm ngay! Làm gì mà bô bô cái mồm lên thế. Đồ ngu như lợn. Cái gì mua được, chứ cái này mua được à?”. Muốn thăng tiến chức nên ngày nhất, ngày Tết phải lễ Tết một cách rất khốn nạn, thời buổi này có còn không?

Tết còn đồng âm với… “tết”! Từ điến tiếng Việt giải thích: “Đan, thắt các sợi với nhau thành dây dài hoặc thành khuôn, hình vật gì: tết tóc, tết lưới”. Còn có thể kể thêm tết quai thao, tết bím chẳng hạn. “Tết” trong nghĩa này còn có thể sử dụng bằng “thắt”. Ai không từng nghe ca từ: “Em xưa còn thắt bím/ nuôi dưỡng thêm ngây thơ”? Không những thế, “tết” còn chỉ khái niệm về thời gian như “tới tết”: “Dầu bông bưởi, dầu bông lài / Xức vô tới tết còn hoài mùi thơm”; “Cu kêu ba tiếng cu kêu/ Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè”...

Thời gian chờ “tới tết” cho dù có dài cỡ nào cũng tới, nhưng trong câu nói như: “Cậu chờ hắn trả nợ à? Chờ tới Tết Ma Rốc”, tương tự còn có “Tết Công Gô”, hàm ý điều đó không bao giờ xẩy ra. Do nguyên cớ gì hai địa danh trên lại đứng chung với từ “Tết” trong tâm thức người Việt? Có ai giải thích dược không? Mà thôi, “năm hết, Tết đến”, chép tặng các bạn vế thách đối của Lê Ta (tức nhà thơ Thế Lữ) đã in tên báo Ngày nay, chừng khoảng 80 năm trước: “Tết tiếc túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế”.  Có đối lại và được trao giải Nhất: “Mới me mừng mợ mạnh, mỹ miều mà mở mặt môn mi”. Còn bạn, bạn sẽ đối lại thế nào?

L.M.Q

(nguồn: TTC số Tất niên 1.2.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com