BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Có tiền mua tiên cũng được

LÊ MINH QUỐC: Có tiền mua tiên cũng được

 

co-tien-mua-tien-cung-duoc-1-R

 

Đương om sòm, chớp giật sấm ran

Nghe xóc xách, lại gió hòa mưa ngọt!

Kẻ tài bộ đã vào phường vận đạt

Không ngươi, cũng nát với cỏ cây!

Kìa, ông Nguyễn Công Trứ ám chỉ cái gì mà chua chát thế thái nhân tình đến thế? À, nói về vai trò của đồng tiền đấy! Gần đây, có mấy câu cà rỡn: “Tiền là tiên là phật/ Là sức bật lò xo/ Là thước đo lòng người/ Là nụ cười tuổi trẻ/  Là sức khỏe tuổi già/ Là cái đà danh vọng/ Là cái lọng che thân/ Là cán cân công lý…”. Tuy nói hơi quá, theo kiểu bông đùa nhưng lại trúng chóc về “sức mạnh đồng tiền”.

Người có tiền và kẻ không tiền khác nhau lắm: “bố đĩ giàu, bố đĩ tiên; ông tổng không tiền, ông tổng tểnh”, “có tiền mua tiên cũng được”, “có tiền chán vạn người hầu/ có bấc có dầu chán vạn kẻ khêu”...  “Trong lưng chẳng có một đồng/ Lời nói như rồng chúng chẳng thèm nghe”, nhưng nếu: “Vai  đeo túi bạc kè kè/ Nói phải nói quấy người nghe ầm ầm”.

Nhố nhăng chưa? Người ta lại bảo,“có tiền khôn như rái, không tiền dại như vích”, “khôn như tiên, không tiền cũng dại; dại như chó có ló (lúa) cũng khôn”... Có tiền, phải biết cách sử dụng tiền, nên đem ra kinh doanh vì “tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra khỏi cửa tiền đẻ”... Một khi đã dính đến đồng tiền, luôn cần có sự sòng phẳng: “Tiền trao cháo múc”, “tiền trao ra, gà bắt lấy”, “tiền trả, mạ nhổ”, chứ không thể ỡm ờ rồi giở trò “quỵt tiền”. Đố đấy! “Đồng tiền liền khúc ruột” kia mà.

Hôm trước ra chốn thủ đô ngàn năm văn vật, tôi có nghe lóm được câu: “Hà Nội không vội được đâu”. Có thể hiểu là mọi chuyện ì ạch, khó  giải quyết nhanh chóng. Vậy, có thể thay đổi bằng cách áp dụng câu cửa miệng trong dân gian: ““tiền đến đâu mau đến đấy”? Thời xa xưa, ông bà ta đã từng đúc kết kinh nghiệm “tiền đi trước, mực thước đi sau”, “nén bạc đâm toạc tờ giấy”…Chuyện này lỗi thời rồi, thời buổi văn minh này bói làm sao ra cái tiêu cực ấy (!?).

Ai cũng thích có tiền, nhưng “tiền buôn tiền bán thì để trong nhà; tiền cờ tiền bạc để ra ngoài ngõ”, ý muốn nói tiền kiếm được từ sát phạt đỏ đen không phải đồng tiền chính đáng, không chóng thì chày nó cũng “đội nón ra đi”. Từng nghe nhiều chủ “đề” tuyên bố rằng, đồng tiền trúng “đề”, chỉ đem về xây mồ mả ông bà may ra còn giữ được, chứ trước sau cũng lọt lại vào tay họ! Nghe mà nổi da gà!

Nhiều người giàu đến độ “tiền dư, thóc mục”, “tiền đầy gác, bạc đầy nong”, “tiền khối, bạc đồng”, “tiền nghìn, bạc vạn”, “tiền rời, thóc đống” thậm chí “ho ra bạc, khạc ra tiền”! “Có anh chàng nọ bảo: “Tớ bất tài, may có bà xã “in tiền” cực giỏi nên sống cũng phong lưu”. Vợ anh ta là công nhân in tiền? Không, ý muốn nói cô ấy giỏi kiếm ra tiền. Còn “tiền tươi, thóc thật” thì sao? Bán gì đó, người bán nhận tiền ngay, chứ người mua không cấn trừ vào gì khác hoặc chậm trả; “tiền mặt” cũng là nhận tiền ngay chứ không chuyển khoản, trả bằng ngân phiếu.

“Tiền đẻ ra tiền”. Ủa, tiền biết đẻ à? Ý nói buôn bán ăn, phát đạt, tiền sinh sôi nẩy nở, ngày một nhiều thêm. Ngày kia, người chồng mở hộc tủ thấy có một sấp tiền bèn hỏi: “Tiền đâu nhiều vậy em?”. “À, “tiền họ” đó anh”. Đích thị, vợ vừa mới “hốt họ/ hốt hụi”. Còn có “tiền chạy” nữa, chẳng lẽ tiền có chân? Không, đó là tiền vay mượn của người khác. Nếu vay tiền ai cũng lo lắng vì “tiền nằm, lãi chạy”, “lãi mẹ đẻ lãi con”! Câu này thời nào cũng đúng, thời nay lại càng chính xác, chớ dại vay nợ bọn “xã hội đen”, chẳng mấy chốc… ra đê mà ở!

Thử hỏi, đồng tiền có thơm không? Chắc có, nếu không, sao lại có cụm từ “tiền hoa hồng”? Các lứa đôi không ít người lâm vào cảnh “tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi” cũng chỉ vì: “Đồng tiền chiếc đũa phân ly/ Thiếp đi đường thiếp, chàng đi đường chàng”. Đọc Bỉ vỏ, ta biết tiền cũng đi vào tiếng lóng: “Không vòm, không sộp, không te/ Niễng mũn không có, ai mê nỗi gì?”.  “Niễng mũn” là một trinh, tức nửa xu.

Dù thân thiết ruột rà nhưng vì “nửa xu” có khi lại sứt mẻ tình cảm: “Chị em hiền thật là hiền/ Lâm đến đồng tiền mất cả chị em”. Nếu ai cũng quan niệm “tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tợ thiên kim”, (tiền bạc như đất bụi, nhân nghĩa tựa nghìn vàng) thì đâu đến nổi

Ơ này! Những ai “giật gấu vá vai” kiếm từng xu, từng cắc gọi là “tiền hàng xáo”... Vậy “tiền bần, tiền phú” trong câu: “Tiền bần hậu phú như phấn thêu hoa/ tiền phú hậu bần như thây ma chết” nghĩa ra làm sao? Đồng âm của “tiền” đấy thôi. Tương tự, “tiền hậu bất nhất”, “tiền chủ hậu khách”, “tiền xung hậu kiết”, “tiền kiếp luân hồi”, “tiền trảm hậu tấu”, “tiền oan nghiệp chướng”, “tiền hô hậu ủng”… Nghe một loạt chữ “tiền” rộn rã sướng cả tai, nhưng ngửa tay ra chẳng thấy một xu teng nào! Vậy đi “làm tiền” chăng? Chẳng phải đúc tiền, in bạc mà rủ nhau làm việc bất chính nào đó để bòn rút tiền của người khác. Chớ dại.

Còn “tống tiền” là hăm dọa, hành hung một ai đó bắt phải nộp tiền, Từ điển tiếng Việt giải thích thế. Nhưng sử dụng cách đó xoàng lắm. Nhà văn Vũ Trọng Phụng có viết chuyện “tống tiền” cực hay, đại khái, chàng Vân yêu cô Loan, nay cô ta đã là vợ ông Tham giàu có. Lúc túng quẫn, nghiện hút nên bạn của Vân nghĩ ra cách “tống tiền” bằng cách đem sấp thư tình thời mặn nồng của hai người đến nhà đưa cho bà Tham. Nếu bà không “nhả” ra 300 trăm bạc, với những lá thư này ắt ông Tham sẽ biết tỏng “những cuộc ái ân” với Vân trước đó. Bà Tham hoảng sợ bèn sang tận nơi đưa tiền. Xòe tay ra nhận tiền? Không, Vân… ném các lá thư tình ấy vào lửa. Động thái “cao thượng” này khiến bà Tham cảm động, nghĩ Vân vẫn còn yêu mình, vì yêu mình nên mới ra nông nổi nghiện hút để quên đời. Nhờ thế, ngay lúc đó và sau này, Vân vẫn được bà Tham cho tiền xài dài dài.

Hỉ nộ ái ố đến thế là cùng.

L.M.Q

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ Cười 1.11.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com