BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Ăn cơm bình dân, rị mọ chữ nghĩa

LÊ MINH QUỐC: Ăn cơm bình dân, rị mọ chữ nghĩa

images576769_4mMình họa: A.Dũng

 

LÊ MINH QUỐC: Ăn cơm bình dân, rị mọ chữ nghĩa


Cơm bình dân thế nào? Đã lâu lắm, trưa nào cũng về nhà, chứ nào dám béng mảng vào quán cơm bình dân, dẫu có là nhà hàng sang trọng đi nữa cũng không. Về nhà, ăn cơm mẹ nấu vẫn ngon nhất. Vậy mà, trưa nay y lại tạt vào. Một dĩa cơm chỉ đủ “bọ chét nhét miệng hùm”, phía trên có thêm vài cọng rau muống luộc đã sẫm màu đen, một chén canh lõng bõng vài miếng bí bầu xắt nhỏ và một con cá hồng chiên cỡ nửa gang tay, cả thảy giá 20.000 đồng.

Lúc ăn ngẫm ngợi, không rõ quán cơm Nụ cười giá bán chỉ 2.000 đồng, người ta có no không? Đôi khi cũng chẳng phải đạo đức gì, có lẽ nhiều người cũng cảm thấy áy náy, tự nhiên mang lấy mặc cảm “mang tội” khi được mời ăn chiêu đãi nhân dịp gì đó. Trời, trên bàn “tràng giang đại hải” thức ăn, muốn gì thì gọi, nhà hàng bưng ra ê hề, ăn không hết bỏ mặc và lúc về hiên ngang đứng dậy, đơn giản chẳng phải mình trả tiền.

Sực nhớ, ngày còn nhỏ, mỗi lần ăn, chỉ một vài hạt cơm rớt xuống bàn mà không nhặt lên chén; hoặc ăn không hết, bỏ mứa ra đó ắt bà ngoại nhắc nhở ngay: “Ăn uống tèm nhem là mang tội đó con”. Ơ hay, thức ăn của mình, mình ăn không hết, bỏ mứa là cái quyền của mình sao lại “mang tội”? Chẳng phải đâu, thời buổi gạo cao thóc kém, thắt lưng buộc bụng nhiều người còn đói khát mà mình lại lãng phí quá là điều không nên.

Trong lúc ăn, nghĩ ngợi linh tinh lang tang. Lại nghĩ về quyển Tự học Quốc tế ngữ Esperanto in tại Hà Nội (NXB Phổ Thông - 1957) do Đào Anh Kha - Nguyễn Hải Trừng biên soạn.

Esperanto là công trình vĩ đại của bác sĩ Ba Lan Ludwik Lejzer Zamenhof (1859 -1917), ông sáng tạo năm 1887. Thời còn ở bộ đội, anh bạn thơ Mừng Hoang Vu đã dạy y học Esperanto, tất nhiên qua thư từ. Nhớ lại tự nhiên thấy bùi ngùi, chà, nhớ thời ở rừng, thèm đọc ghê gớm. Lật tập sách này, thấy có in câu nói của nhà văn Romain Rolland: “Muốn cho các dân tộc thân thiện với nhau, trước hết họ phải nghe được tiếng nói của nhau. Esperanto đem lại thính giác cho con người điếc từ bao thế kỷ nay bị giam hãm trong bốn bức tường ngôn ngữ”.

Hôm qua check mail, một anh bạn nhà văn viết: “Tôi vừa đọc báo nọ, học được một từ cũ mà “mới”. Trong bài Quân tử cầm ở Chắc Cà Đao, nghệ sĩ ưu tú đàn ca tài tử Nguyễn Thiện Vũ cho biết: Anh là “con dòng”, chứ không phải “con cửi”. “Con cửi” là con ngang hông. Còn anh xuất thân từ dòng họ có nghề nên gọi “con dòng”, “con nhà nòi”. Tại sao gọi “con cửi”? Có phải lấy hình ảnh từ con thoi trên khung cửi, chỉ chạy “ngang hông” chứ không chạy dọc?”.

Thời gian này đang đọc di cảo Tạp bút năm Giáp Tuất 1994 của cụ Vương Hồng Sển. Đặc biệt về địa danh, cụ Sển cũng cung cấp khá nhiều điều, ai cũng cần biết để “ôn cố tri tân”. Với địa danh “Chắc Cà Đao” - tên con rạch đổ ra sông Hậu, cụ giải thích nếu đọc đúng phải là “Cháp Pà Đao”: “Cháp” là chụp, với bắt, nắm, còn “pà đao” là dây mây, nghĩa là “ngày xưa đến chỗ ấy dày mịt dây mây, phải tay vịn chơn trèo mới đi qua được”. Tuy nhiên, trước đó, trong Tự vị tiếng Việt miền Nam, cụ Vương lại đưa thêm giải thuyết khác: “Đúng ra phải viết “chắp kdam” vì Từ điển Pannetier giải thích “chắp” là “bắt” (attraper) và “kdam” là cua (crabe); xưa vùng này cua biển nhiều. Vì lâu ngày nói trại, thành quen, mất gốc”.

Trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam, nhà văn Sơn Nam cho rằng: “Chắc Cà Đao do tiếng Prek Pedao, rạch có mây rừng mọc”. Vậy cách giải thích nào đúng? Hoặc lâu nay, ta vẫn gọi Sóc Trăng, theo cụ Vương Hồng Sển: “Sóc là ngày mùng một, làm sao có trăng?” mà phải gọi đúng là Sốc Trăng theo phiên âm Sroock - khléang…

Về địa danh, khó có thể có tìm hiểu tận tận gốc. Đôi khi tên gọi lại đơn giản. Trong tập Sài Gòn chuyện đời của phố, anh bạn Phạm Công Luận xem từ gia phả của một dòng tộc, tộc Nguyễn từ đàng ngoài vào Sài Gòn từ hơn 200 năm trước, cho biết Ngã tư Bình Học (Lê Quang Định - Nguyễn Văn Học) “ngày xưa còn gọi Ngã tư thầy Sóc”. Tên riêng? Đúng rồi. Nhưng tên thật của ông này là Nguyễn Văn Sách, người dân gọi trại ra là Sóc. Rắc rối chưa?

Trở lại với Tạp bút năm Giáp Tuất 1994. Nhờ sở hữu bản Lục Vân Tiên in năm 1883, năm cụ Đồ Chiểu còn sống, cụ Sển quả quyết câu thơ: “Hỡi ai! Lẳng lặng mà nghe/ Giữ răn việc trước, lánh dè thân sau” là đúng, chứ không phải “Dữ răn việc trước, lành dè thân sau”, vì “bốn chữ bình liên tiếp trật họng không thể hát được”. Lời bình ngắn mà thuyết phục, thế mới biết gừng càng già càng cay. Cụ tâm tình gan ruột: “Nay sách đã về tay tôi gìn giữ, thú thật, đổi vàng không đổi, một lượng hay nhiều hơn nữa thiếu chi người có, mà sách này không dễ gì có…”. Hầu hết các tạp bút, cụ Sển viết không dài, chỉ dăm trang nhưng gợi mở nhiều điều mà chưa chắc ai cũng tỏ tường; rồi thỉnh thoảng lại chêm vào những câu thơ ngẫu hứng:

“Chầu chực đợi cơm rơi nước mắt

Mong chờ tiếp bạn rụng lông nheo”.

Rõ ràng là có cái hóm hỉnh của ông cụ lúc ngoại 90 xuân xanh, đã “rụng lông nheo”, làm sao còn có thể tình tứ “đá lông nheo” như thời trai trẻ?

LÊ MINH QUỐC
(nguồn: báo SGGP chủ nhật 30.8.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com