BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Thiên tình sử tuyệt đẹp và bền bỉ của nhà thơ HỒ DZẾNH

LÊ MINH QUỐC: Thiên tình sử tuyệt đẹp và bền bỉ của nhà thơ HỒ DZẾNH


nha-tho-hozenh-hinh-anh_NFACNhà thơ Hồ Dzếnh thời làm báo tại Sài Gòn (1952)

 

Cảnh gà trống nuôi con

Hồ Dzếnh là nhà văn hiện đại, tác giả bài thơ Chiều nổi tiếng, được người đương thời xếp chung với Thạch Lam và Thanh Tịnh "ngồi chung một chiếu hội văn đàn”, ông có tập truyện ngắn Chân trời cũ (1942) do Thạch Lam viết tựa, tập thơ Quê ngoại (1943) và nhiều tác phẩm khác gây được tiếng vang trong văn giới. Tham gia cách mạng ở Hà Nội năm 1945 và qua năm sau in tập thơ Hoa xuân đất Việt, tiểu thuyết Cô gái Bình Xuyên...

Hồ Dzếnh tham gia Hội Nhà văn Việt Nam từ lúc mới thành lập. Ông là đứa con của mối tình Hoa - Việt. Hãy nghe ông kể lại: "Một buổi chiều mùa hè vàng rực. Trên bờ sông ghép của tỉnh Thanh Hóa, dân làng Ngọc Giáp bỗng thấy một người đàn ông ngoại quốc, tay xách một gói vải xanh và đầu chụp chiếc mũ đã vàng ỏng. Người khách lạ có chiếc trán rất lạ: nó nhỏ nhưng nhô ra một cách bướng bỉnh. Nhất là đôi mắt, sắc như dao, bén như nước, nhìn vật gì thì như hút lấy vật ấy. Hai cái đặc điểm ấy nhất định không được tạo bằng thủy thồ Việt Nam, mà là bằng tinh hoa của một dân tộc khác. Một vẻ gì xương xương rắn rắn độn khắp mình người khách, biến cái thân thể thoạt trông thì gầy kia ra sự chịu đựng khó nhọc, ở đấy, một nghị lực bền vững tiềm tàng.

Khách mặc một bộ quần áo bằng lĩnh Quảng Đông, nguyên màu đen, nhưng sau khi trải nhiều phong trần, đã đổi sang màu xám kệch, y phục ấy gợi được trong lòng người gặp bao nhiêu cảm giác thanh tú, hương vị xa xôi. Từ đằng xa, những gợn lụa phất phơ như những gợn gió trùng dương, và khi lại gần thì gió trùng dương thì toàn xông lên một mùi cá mặn.

Linh hồn Trung Quốc phát lộ ra từng bước đi, điệu đứng, trong sự trầm mặc, trông tìm, trong cả cách đưa năm đầu ngón tay có móng dài vẩn ghét lên gãi sồn sột chiếc đầu gần như húi trọc tếch.

Đêm về trong những bước nhẹ, hắt hiu bốc hơi trên mặt sông. Nắng tắt dần chỉ còn ánh vàng pha sắc tím. Hoàng hôn ở đây không như hoàng hôn ở Giang Tây, Hồ Bắc, hoàng hôn ở đây ưu hoài như một chinh phụ nhớ chồng”. „

Sau đó, người đàn ông chợt chạnh lòng, muốn bật lên tiếng khóc, nhưng nén lại và cất tiếng gọi: "Tồ ui!" (đò ơi).

Tiếng vang lao xao trên mặt sông tím ngắt. Người đàn ông khẽ thở dài... Lát sau, chiếc đò nhỏ cặp vào bờ. Từ giây phút này, người đàn ông Trung Quốc ấy tên Hà Kiến Anh được gặp cô lái đò tên Đặng Thị Văn. Họ bắt đầu một cuộc tình và để lại cho thi đài Việt Nam một Hồ Dzếnh.

Sinh ra và lớn lên tại huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), Hồ Dzếnh đã dành trọn tâm hồn mình cho quê mẹ, nơi ông sinh ra vào mùa thu thì: "Trời không nắng cũng không mưa/Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung/Chiều buồn như mối sầu chung/Lòng êm nghe thoảng tơ trùng chốn xa”.

Và mối tình đầu của ông cũng bắt đầu với một thiếu nữ người Việt, như ông cho biết: “Tôi yêu như chính là say/Tình quê hương Việt - bàn tay dịu dàng”.

Từ năm 1931, Hồ Dzếnh ra Hà Nội học bậc thành chung và dạy học. Ông bắt đầu sáng tác, cộng tác với các báo Trung Bắc chủ nhật, Tiều thuyết thứ bảy... những tình cảm ông dành cho người tình đầu được thể hiện qua bài thơ Cảm xúc tuyệt hay: "Cô gái Việt Nam ơi/Từ thuở khai sinh lận đận rồi/Tôi biết tình cô u uất lắm/Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi/Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa/Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha/Khi cô vui thú là cô đã.../Bồng bế con thơ đón tuổi già”.

Nhà văn Vũ Bằng có lý khi viết: "Mỗi khi thấy Hồ Dzếnh ngồi buồn ngâm bài ấy thì tôi lại yên trí rằng cô gái Việt Nam nói đó chính là vợ anh mà có biết vợ anh thì ta mới thấy thương và quý tình yêu thủy chung của Hồ Dzếnh biết ngần nào”. Người đó là bà Nguyễn Thị Hiền Nhân - là một cán bộ cách mạng hoạt động từ năm 1942.

Năm 1948, quay về Thanh Hóa, Hồ Dzếnh lập gia đình với người mà mình yêu. Khi bùng nổ cuộc kháng chiến toàn quốc, vợ chồng Hồ Dzếnh tản cư về làng Neo, phủ Thọ Xuân dọc sông Ninh Giang ở khu Tư. Năm 1950, một chuyện không may xảy ra cho ông là bà Hiền Nhân qua đời, để lại cho ông đứa con trai mới 4 tháng tuổi. Nhà văn Vũ Bằng có kể lại những chi tiết cảm động: “Nói đến cái cảnh đàn ông chết vợ mà hạ câu “gà trống nuôi con’’ thiết tưởng đến cáị cảnh Hồ Dzếnh gà trống nuôi con mới thực là tủi nhục mà cũng mới thực là cao đẹp và can đảm. Bây giờ những người anh em kháng chiến chống Pháp hồi ấy ở khu Tư và hiện giờ về ở đây, mỗi khi nhắc đến Hồ Dzếnh thường vẫn còn thấy bàng bạc trong trí óc mình hình ảnh của một thanh niên mặc áo bành tô màu cứt ngựa đi dép, địu ở trên lưng một đứa con nhỏ, lúc thì đi vơ vẩn đầu sông, lúc thì chui vàọ bờ bụi để tránh máy bay bắn phá. Hễ cứ gặp một người nào như thế, không ai phải nói với ai, ai cũng biết là nhà thơ Hồ Dzếnh, không có cách gì sai được. Là vì ở khắp khu Tư mà chắc chắn ở khắp cả trong nước, không có người đàn ông thứ hai nào nuôi con khổ cực như Hồ Dzếnh, một mặt thì lo chạy loạn, một mặt lo ăn, mà một mặt nữa là lại phải làm cách nào cho con có sữa để mà sống cho qua ngày. Đúng theo lề lối của những người đàn bà Tàu muôn thuở, Hồ Dzếnh lấy một tấm vải bố quấn lưng lại rồi làm hai cái dải buộc chéo hai vai, cho đứa con vào ở trong cái túi trên lưng, đi trên khắp nẻo đường khu Tư...”.

Thêm một thiên tình đẹp

Như vậy, Hồ Dzếnh phải bồng con xin bú nhờ! Thông cảm cho hoàn cảnh đặc biệt của ông, năm 1953 chính quyền cách mạng đã cấp giấy phép cho ông về Hà Nội chữa bệnh cho con và tìm kiếm gia đình. Tại đây, một mối tình khác đã đến với Hồ Dzếnh. Ông đã gặp lại người bạn cũ là bà Nguyễn Thị Hồng Nhật, có hoàn cảnh cũng tương tự như ông. Bà là vợ góa của nhà thơ Trần Trung Phương, bà và ông Phương ở với nhau chưa được 2 năm mới có một con trai 5 tháng tuổi thì ông Phương mất do bệnh lao. Khi gặp lại Hồ Dzếnh thì bà Nhật có đưa tập thơ Những vần thơ sáng của chồng - gồm các bài đã in trên báo và trong di cảo để nhờ ông tìm cách cho xuất bản. Qua đó, hai người quyết định đến với nhau. Mùa xuân năm 1954, họ tổ chức đám cưới, tuy đạm bạc nhưng giàu tình nghĩa và không kém phần long trọng. Hôm ấy, có một bạn văn ra câu đối thật độc đáo: “Vợ góa nhà văn lấy nhà văn góa vợ”. Trong số khách đến dự có người đã đối lại cảm động: “Con nuôi nước Việt nhờ nước Việt nuôi con”.

Từ đây, Hồ Dzếnh sống những ngày rất hạnh phúc, con riêng của họ là Chính và Cường đã thương yêu nhau như anh em ruột. Theo nhà văn Nguyễn Khải thì lúc cuối đời của ông: “Khi biết mình không sống nổi, ông đòi về nhà. Các con trai thuê xe của bệnh viện đưa ông về lúc nửa đêm vì ông đã hấp hối. Bà vẫn thức để chờ, vừa nghe tiếng còi xe đã mở toang hai cánh cửa đề đón chồng lần cuối. Hai anh em cáng bố đã hôn mê đặt lên cái giường của bố mẹ. Bà quỳ một bên giường nhìn chằm chằm vào gương mặt đã vàng như xác của chồng, ruột đau như xé nhưng không khóc được. Chợt ông cựa mình, mở mắt, ngước nhìn lơ láo, gọi nhỏ: “Mình ơi!”. Rồi ông tắt thở luôn”. Đó là ngày 13.8.1991. Hà Nội đang vào thu, gió mơn trớn như bước ra từ thơ Hồ Dzếnh: “Mênh mông xanh thắm phai tờ/Chân đi vương vấn lời thơ ngậm ngùi”.

Vài ngày sau, khi dọn lại nơi ông thường ngồi, mọi người thấy từ trong sổ tay của ông rơi mảnh giấy nhỏ, trong đó có bài thơ tặng bà Hồng Nhật: “Mình vừa là chị là em/Tấm lòng người mẹ trái  tim ban đời/Mai này tới phút chia đôi/Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?/Xót mình đã lắm thương đau/Tôi xin là kẻ đi sau đỡ mình/Nước non chan chứa nghĩa tình mình ơi!”

Nghe da diết đến ứa nước mắt.

L.M.Q

Cùng một chủ đề:

LÊ MINH QUỐC: Gặp nhà thơ HỒ DZẾNH ở HÀ NộI

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com