BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Từ phở đến viết báo

LÊ MINH QUỐC: Từ phở đến viết báo

tu-pho-den-viet-bao

 


Đêm qua, dai dẳng, dùng dằng, dằng dai, dằng dặc, dầm dề, dúng dẳng, da diết kéo lê thê qua trước cửa nhà là mưa. Bèn đi ngủ sớm.

Thức dậy, một tin nhắn của đồng nghiệp N.K.L: “Lâu quá không gặp anh, sáng nay phở nghe anh”. Cứ như lời tỏ tình trai gái. Sực nhớ về thời mười sáu xuân xanh, có người con gái bước qua ngõ hỏi vọng vào: “Đi học chưa?”. Âm thanh ấy lướt thướt theo gió. Thuở ấy, vườn cây nhà ông ngoại run rẩy gió, sau mưa. Từng hạt mưa rụng dưới chân đi. Hoa ngâu thơm lạ lùng. Rụng vàng trên vai. Từng chấm li ti ấy mang theo hơi mưa. Nhẹ tênh. Buổi sáng sau mưa, tâm hồn nhẹ nhàng hơn. Ngủ đẫy giấc. Không mộng mị.

Sáng nay, bên tô phở nhớ lại hôm nọ L có gửi email. Nội dung như sau: “Ở tiệm phở ngon nhất phía Đông nước Mỹ, có treo 2 câu đối tài tình, nói về câu trả lời của một bà góa phụ chủ quán phở với một ông khách ỡm ờ (dùng toàn tiếng liên quan tới phở):

Nạc mỡ nữa làm gì, em nghĩ chín rồi, đừng nói với em câu tái giá!

Muối tiêu không đáng ngại, lão còn gân chán, thử vui cùng lão miếng gầu dai!

Có người không chịu, bảo rằng "cua" người đẹp mà lại xưng là lão? Bèn đề nghị đối như sau:

Cay chua chi lắm thế, tớ còn gân chán, xin đừng lỡm tớ chuyện Tiêu, Tương".

Chà, cũng vui. Từng nghe câu đối này lâu rồi, theo anh Phan Kim Thịnh - chủ bút tạp Văn Học đã lan truyền tại Sài Gòn từ thập niên 1950. Tuy nhiên, vế đối lại của hai đấng này râu chưa "ép phê" lắm. Loạt từ “muối tiêu”, “cay chua”, "Tiêu, Tương" không gợi lên cái thèm về phở. Chưa cần ăn, chỉ mới nghĩ trong đầu những từ “tái”, “nạm”, “gầu”, “chín”, “tái”, “gân”, “sụn”, “thịt bắp”, "vè"… là đã thấy thèm. Nếu thay các từ quen thuộc đó bằng tên gọi khác, chắc chắn sẽ hết ngon dù trước mặt vẫn tô phở của mỗi ngày.

Chữ Quốc ngữ, tự nó đã trở thành máu thịt thiêng liêng trong tâm trí, đời sống tình cảm của mỗi con dân nước Việt. Từng con chữ không chỉ có xác, mà còn có hồn - hồn của một dân tộc ẩn hiện trong đó. Mỗi con chữ không là cái vỏ của ngôn ngữ. Sực nhớ, mấy hôm kia đi ngang qua khu Miếu Nổi thấy có quán ăn, bảng hiệu ghi to đùng: "Quán bánh canh Bà Dạng". Đã "bà" còn "dạng"! Nghe phản cảm lắm. Ăn làm sao ngon? Lại quán ăn ở khu ĐaKao có tên: "Ba Mũi Tên". Thoáng đọc đã lạnh tóc gáy. Chẳng lẽ mình phải hứng chịu sự tàn khốc đó sao? Chẳng dại. Bèn đi luôn không ngoảnh đầu lại, chứ đừng nói bước vào.

Nghĩ thêm một chút chăng? Ta thấy rằng, dù chữ Quốc ngữ, tiếng Việt còn có những nhược điểm, khiếm khuyết này nọ nhưng đố ai có thể cải cách thành công. Đố đấy! Cải cách có hoàn thiện bằng trời đi nữa cũng ai chấp nhận. Có lẽ, người đầu tiên đặt vấn đề này là học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936). Ông đã từng phát biểu một câu nổi tiếng: "Nước Nam ta mai sau hay dở là ở chữ Quốc ngữ" và từ năm 1927, ông khởi xướng cải cách chữ Quốc ngữ gây xôn xao dư luận một thời. Câu chuyện chưa dừng lại đó, về sau, nhiều người có tham vọng này. Mà cũng chẳng đâu vào đâu. Với y, chỉ cần đọc văn bản viết "phở". Đã thèm. Đã nhớ. Đã mê tơi. Nếu viết theo kiểu cải cách "fở", khi đọc, chắc chắn cảm xúc trong lòng vắng tanh như chùa bà Đanh trong chiều ba mươi Tết.

Rồi câu chuyện lan man đầu xuôi đuôi ngược rồi quay về với vụ cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Loan (41 tuổi) ở thôn Trà Kem, xã Trà Xinh (Quảng Ngãi) được đưa về với cộng đồng. Do chiến tranh năm 1972, sau khi ngôi nhà bị trúng bom làm ba người thân chết, ông Thanh hoảng loạn, lo sợ nên sau đó bỏ làng, ôm con trai Hồ Văn Loan trốn biệt vào rừng sâu, sống hoàn toàn cách biệt với cộng đồng.

Lúc vào rừng, sống biệt lập, họ tìm lửa như thế nào? Cũng theo nguồn tin báo chí, “cha con “người rừng” bóc lớp bột bám dính vào thân cây đủng đỉnh rồi phơi khô, sau đó lấy ra từng chút đặt lên hòn đá dùng búa đập mạnh, khói từ từ ngún lên thành lửa. Kỳ diệu chưa? Khoái quá bèn tự hỏi, cây đủng đỉnh là cây gì? Tra trong Những cây thuốc và  vị thuốc Việt Nam của GS Đỗ Tất Lợi không tìm thấy. Có thể còn có tên gọi khác chăng? Tìm trên mạng, một blog nọ cho biết: "Tên gọi khác: Móc, đùng đình. Tên khoa học: Caryota mitis. Thuộc họ Cau". Chẳng rõ có đúng không? Ngày xưa vợ chồng Mai An Tiêm bị vua Hùng Vương đày ra đảo hoang, đã tìm ra lửa cũng từ cây đủng đỉnh chăng?

Đang ăn, L phát biểu: “Em thấy việc đưa "người rừng" về là bất nhẫn, chắc gì họ đã sung sướng, đã vui sống? Đôi khi, ta cứ nghĩ phải làm thế này, phải thế kia làm thì người kia sẽ phơi phới yêu đời, sẽ vui khỏe trẻ trung, sẽ hồ hởi phấn khởi. Do nghĩ thế nên cứ làm thế. Dù lòng tốt nhưng chắc gì lòng tốt này lại giúp người kia hài lòng? Xa môi trường sống đã gắn bó hơn bốn mươi năm, làm sao họ có thể ngày một ngày hai “hội nhập” cùng con người của thế kỷ này? Như thế không bất nhẫn là gì?”.

Nghe có lý. Phở đang ngon bởi chín, tái, ngầu, nạm… nên chỉ toàn tâm toàn ý với phở, trong đầu đang nghĩ về phở. Đang nhớ đến câu thơ của Tú Mỡ:

Trong các món ăn “quân tử vị”

Phở là quà đáng quí trên đời

Một vài xu, nào đắt đỏ mấy mươi

Mà đủ vị: ngọt, bùi, thơm, béo, bổ.

Nếu phở không ngon, sức mấy nó có sức sống trường tồn đến vậy? Nếu phở không ngon, làm sao ông Tú Mỡ có thể hạ bút viết những câu tuyệt cú mèo? Rồi khẳng định như đinh đóng cột:

Phở là đại bổ, tốt bằng mười thang thuốc Bắc

Quế, phụ sâm, nhung chưa chắc đã hơn gì


Phở bổ âm, dương, phế, thận, can, tì,

Bổ cả ngũ tạng, tứ chi, bát mạch.

Anh em lao động đồng tiền không rúc rích,

Coi phở là môn thuốc ích vô song.


Các bậc vương tôn thường chả phượng, nem công,

Chưa chén phở, vẫn còn chưa đủ món

Nghe y đọc, chắc chắn N.K.L sẽ hào hứng đọc nối theo. Biết quá mà, đồng nghiệp y có trí nhớ cực tốt. Nhớ nhiều thơ. Đọc nhiều sách. Thỉnh thoảng, trà tam tửu tứ hai anh em vẫn luân phiên đọc thơ. Đọc cho nhau cùng nghe. Thế mới khoái. Khoái nên bèn hỏi: “Ông Tú Mỡ viết đúng quá, phải không L?”. Nào ngờ, hắn trả lời luôn một mạch: “Đúng quá đi chớ anh. Tội nghiệp cha con "người rừng". Thì cứ xem con chim bị nhốt vào trong lồng, có thóc gạo ngon, có nước sạch, có lồng sơn son thếp vàng nhưng chắc gì nó khoái bằng tự do ngoài trời?”.

Quái! Đôi khi cuộc trò chuyện cũng có lúc tréo ngoe. "Ông hỏi gà, bà nói vịt". Bởi mỗi người đang đeo đuổi vấn đề khác nhau. Có những đôi tình nhân, dù hôn nhau say đắm, nhưng ai dám chắc trong đầu họ đang nghĩ về nhau? Thế đấy.

Nghe câu trả lời tréo cẳng ngỗng, y bè hỏi: “Vậy L có viết bài về cha con ông Hồ Văn Thanh không?”. Đáp: “Em ước gì có thể thu xếp công việc ra đó chừng vài tháng, lân la, trò chuyện nghe “người rừng” kể lại cuộc sống của họ. Chỉ cần ghi chép trung thực là có thể góp phần lý giải về sự thích nghi bí ẩn lạ lùng của con người. Cuốn sách này ra đời, chắc chắn ngành giải trí và điện ảnh của Hoa Kỳ Hollywood  sẽ mua bản quyền dựng thành phim ngay. Doanh thu sẽ vượt xa bộ phim Tarzan của nhà văn Edgar Rice Burroughs. Lúc đó, anh em mình giàu to”.

Đừng tưởng là đùa. Viễn vông.

Mà rất thật.

Thật bởi tư duy của nhà báo, bao giờ cũng nghĩ đến đề tài hấp dẫn phục vụ bạn đọc. Nhà báo Tam Lang viết Tôi kéo xe năm 1932, in thành sách năm 1935 đã trở thành một sự kiện của nền báo chí nước nhà: “Là tập phóng sự ra đời sớm nhất được viết bằng ngòi bút tả chân sắc sảo linh hoạt, Tôi kéo xe có ý nghĩa mở đầu cho thể loại phóng sự trong văn xuôi Việt Nam hiện đại” (xem Tổng tập văn học Việt Nam tập 29A). Tam Lang kể:  “Ông Bùi Xuân Học, chủ nhiệm Ngọ báo một hôm vỗ vai tôi mà bảo: “Anh có ngòi bút viết văn tả chân khéo, bây giờ đang là mùa các bạn đồng nghiệp của anh đi khắp bốn phương điều tra, phỏng vấn: Albert Londres sang Thượng Hải, Maurice Dekobra đi Hoa Kỳ, Goe London tới miền cương giới Tô Nga, Louis Charles Royer đến Leningrad Xô Viết... mà anh thì chỉ lúi húi ở xó nhà với ba bài văn sầu cảm, sao không ném bút đi xem người ta cho sáng thêm con mắt, có hơn không?”.

Ấy là ông chủ báo muốn có những bài hấp dẫn phục vụ bạn đọc đó thôi. “Sáng thêm con mắt” của Tam Lang là ông mượn bộ quần áo nâu, thuê xe kéo và bước vào những ngày "ngựa người người ngựa”. Nếu nhà báo nào cũng ý thức tích cực về nghề, chúng ta sẽ bài báo thật hay, sau này có thể in thành sách. Cứ tin là thế. Đã chơi với nhau, phải động viên, khuyến khích nhau và nhất là tin tài năng của bạn để cùng nhau hào hứng làm tốt công việc của mỗi người. Chơi với người bạn đàng hoàng, làm việc tốt, có uy tín vẫn “làm sang” thêm cho mình.

Nghề báo có "làm sang" không? Cái này còn tùy thuộc vào quan niệm của  từng người. Không tranh luận lôi thôi. Nghề viết báo có đào tạo được không? Cái này còn tùy thuộc vào quan niệm của từng người. Không tranh luận lôi thôi. Chỉ biết rằng, đọc đâu đó còn nhớ tác giả Tôi kéo xe kể lại, ông được “đào tạo” như thế này: Hồi mới chân ướt chân ráo vào nghề, khi nộp cái tin “xe cán chó, chó cán xe”, ông chủ báo đọc qua, bảo: “Cái tin này giật gân quá, bạn đọc khoái đấy! Kéo dài thêm vài trăm chữ nữa thành cái bài”. Cũng có lúc, ông chủ báo ném trả, bảo: “Cắt cái bài này xuống còn cái tin. Chỉ cái tin là đủ rồi. Viết thành bài, in tốn “đất” mà chả ma nào thèm đọc”. Nhà báo lừng danh Tam Lang học nghề theo cách đó.

Sau này, ròng rã gần 30 năm theo nghề, y mới biết, cách dạy này độc đáo. Đề tài hay, phải kéo dài ra mới thỏa mãn người đọc, bằng không cắt phéng đi các chi tiết rườm rà thành cái tin thôi.

Thời đó, trước năm 1945 nước ta chưa có trường dạy nghề, nhưng có nhiều nhà báo cực giỏi. Kể danh sách các nhà báo này kể đến sáng mai vẫn chưa hết. Hiện nay, có quá nhiều trường lớp đào tạo nghề báo nhưng số lượng theo nghề lại quá ít. Lại có quá nhiều tòa báo to vật vã nhưng cái tên của nhà báo lại bé tẹo tèo teo. Những cái tên đó không đủ sức bảo chứng cho chất lượng của bài báo do họ viết ra. Nó khác với thời có những bài báo được ký dưới những cái tên quen thuộc là bạn đọc tin cậy.

Sáng nay, vẫn mỗi sáng. Vẫn mỗi ngày. Vẫn thế.

 

L.M.Q
(nguồn: ANTG giữa tháng số 87 tháng 4.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com