BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: DẠO ĐƯỜNG SÁCH VÀ… ĐỌC THƠ

LÊ MINH QUỐC: DẠO ĐƯỜNG SÁCH VÀ… ĐỌC THƠ


daoduong-sach-va-doc-tho

 


Những năm gần đây, vào dịp Tết ngoài Đường Hoa, còn có Đường Sách nữa. Dịp này, tìm chỗ gửi xe quá khó. Năn nỉ gẫy lưỡi cũng mệt. Gửi một chiếc xe, 20.000 đồng. Giá cao ngất. Mà còn có chỗ nhận giữ đã là may. Đường Sách, một nét văn hóa. Tuy nhiên, diễn ra trong mấy ngày Tết, chỉ mang tính phong trào. Lẽ ra Sài Gòn phải quy hoạch đường sách, buôn bán quanh năm, tha hồ trao đổi, mua bán sách.

Ấn tượng khó quên nhất, lần đầu tiên vào Sài Gòn vẫn là sách bán “xôn” trên vỉa hè. Giá rẻ như cho không. Tha hồ lựa. Thị trường sách Sài Gòn ngày trước khác nay nhiều lắm. Thời đó, xuất bản không là độc quyền của cơ quan nhà nước. Các ông nhà văn Nguyễn Hiến Lê, Đông Hồ, Nhật Tiến, Duyên Anh… cũng có nhà xuất bản riêng. Họ in sách của họ hoặc của bạn bè, tác giả mà mình yêu thích. Tất nhiên, thời nào cũng vậy, in sách phải có giấy phép xuất bản. Sách in xong, giao cho nhà phát hành cũng tư nhân. Sau một thời gian bày bán rộng rãi, đến lúc nếu cần thanh lý, do đã có lãi mà bán chậm, do bán không chạy… thì nhà phát hành nhúng mực xanh vào phía đối diện gáy sách và bán “xôn” ngoài lề đường. Bán giá rẻ, thu hồi vốn nhanh. Báo chí cũng thế. Nhìn tờ tuần báo, tạp chí, bán nguyệt nào có vết mực xanh ngay lề trang báo là biết hàng bán "xôn".

Ngày trước, báo chí in ra chỉ ký gửi, bán không hết, người bán lẻ có quyền trả lại tòa soạn. Nay thì không. Tòa báo in theo số lượng đại lý đăng ký. Bán không hết thì ôm "show". Do người bán lẻ được trả lại nên ngày trước có nhiều tạp chí, tuần báo như Văn, Văn Học, Tuổi Ngọc, Bách Khoa, Thiếu Nhi, Thằng Bờm v.v... đóng bộ là vậy. Sau khi đại lý trả lại số lượng ế, tòa soạn cho đóng bộ, bán dần. Nhờ vậy, nghề đóng sách báo có cơ hội phát triển. Hơn nữa, thú chơi sách báo ngày trước còn là đóng tập, đóng bìa cứng, mạ chữ vàng. Nghề này đã chết. Chỉ còn một vài tòa báo có nhu cầu đóng bộ lưu trữ tại thư viện cơ quan; người mua sách cũng ít quý sách theo kiểu đóng bìa như trước. Không đủ sống. Họ chuyển qua nghề khác.

Sau năm 1975, một thời gian dài, sách in phải qua hệ thống phát hành của nhà nước. Trước đây báo chí từng phê phán dữ dội Tổng Công ty phát hành sách Việt Nam chỉ sống bằng lợi nhuận… làm lịch mỗi năm, chứ không từ nhiệm vụ phát hành sách. Hiện nay, tư nhân tham gia thị trường sách đã phá vỡ sự độc quyền này. Họ tự tổ chức kênh phát hành riêng. Tự phát hành sách do họ thực hiện từ A đến z. Từ đầu tư bản thảo, trả tiền tác giả đến đưa sách ra thị trường. Cách làm này giúp thị trường sách năng động hơn. Tuy nhiên, họ chủ yếu phát hành sách do họ đầu tư. Vì thế, có một điều lạ lùng, đất nước đã thống nhất mấy chục năm nhưng thị trường sách vẫn còn một khoảng cách. Có cuốn sách nổi đình nổi đám ngoài Bắc nhưng trong Nam không thể tìm mua; hoặc ngược lại.

Các nhà văn muốn tự in sách của mình? Điều này không khó. Ai cũng có thể tự in sách, chỉ cần đóng 10% quản lý lý cho nhà xuất bản để lấy giấy phép. Bài toán nan giải nhất vẫn là khâu phát hành. Không phải hệ thống phát hành nào của nhà nước; hoặc tư nhân cũng nhận sách do nhà văn ký gửi. Nếu nhận, có lúc chiết khấu lên đến 45%. Trả tiền chậm. Chậm hơn cú chạy marathon của rùa. Bán hết sách mới thanh toán tiền. Có khi bán hết nhưng phải nửa năm, một năm sau mới nhận được tiền. Trần ai khoai củ. Nhà văn viết tập sách nhận nhuận bút từ 10 đến 12%, trong khi đó phát hành nhận từ 35 % đến 45%. Ít có nhà văn dám bỏ tiền in sách của mình, đơn giản, họ không thể tự phát hành.

Gần đây, có người tự phát hành qua mạng facebook, như trường hợp nhà thơ Nguyễn Phong Việt. Cách làm tài tử này cho vui thôi. Chứ không thể lấy đó làm kênh phát hành chuyên nghiệp. Do không thể tự phát hành, nhà văn bán bản thảo cho tư nhân hoặc nhà xuất bản. Nhận nhuận bút cho xong. Rảnh tay làm việc khác. Nhà văn khó có thể giàu, bởi họ không thể biết chính xác số lượng ấn hành. Có lúc, sách tái bản nhưng nhà văn cũng không biết. Đã không biết, làm sao nhận nhuận bút tái bản? Số lượng in một quyển sách hiện nay, hầu hết phần nộp lưu chiểu cho biết chỉ in từ 1.000 đến 2.000 bản. Số lượng thật thế nào? Các nhà văn không thể biết. Quy trình in khép kín, bán bản thảo cũng tựa như gả con gái về nhà chồng. Số phận nào thế nào còn tùy thuộc vào lương tâm của người đầu tư. Nếu lương thiện, đàng hoàng, họ báo cho nhà văn biết số lượng in cụ thể, thông báo khi tái bản mời đến ký nhuận bút, bằng không thì thôi. Khoản tiền nhuận bút cả một quyển sách, đôi khi không bằng bài viết, truyện ngắn in báo xuân.

Lang trang trên Đường Sách đã nghe gió xuân về, bèn hào hứng mua tập sách nọ. Đọc cho vui. Mua, đơn giản vì tập sách này viết về các nhà văn Sài Gòn. Chẳng ai nhắc đến họ nữa. Tập sách này nhắc lại. Vậy là quý rồi. Chẳng đòi hỏi gì thêm. Ghi lại vài câu thơ hay của vài tác giả trong tập nọ:

Miệng kia xinh sao tình lơ đãng quá

Tôi không yêu sao có má em hồng?

Tôi không buồn sao có má em trong?

Tôi không mộng sao có lòng em đẹp?

Nay đến trước xin yêu, lòng khép nép

Tự trời xanh rơi xuống để gần em

Một tờ hoa đính ước gửi thơ kèm

Si tình thế vậy mà hiu quạnh mãi

(Đinh Hùng)

À, mấy câu thơ ghi trên bia mộ Bùi Giáng đây nè. Lúc viết Gái đẹp trong tôi, vô tình y cũng chọn mấy câu này làm đề từ:

Đùa với tuyết, rỡn với vân

Một mình nhớ mãi gái trần gian xa

Sương buổi sớm, nắng chiều tà

Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu

(Bùi Giáng)

"Này ông Q, cho tôi hỏi, vậy đến lúc vân du tiên cảnh, viếng cảnh bồng lai, ông chọn câu thơ nào ghi trên bia mộ". Nghe câu hỏi này, y bèn đáp, thật ra chừng mươi năm trước đã nghĩ đến rồi. Nếu "rũ áo bụi hồng" bên cha mẹ, chọn mấy câu này:

Trong tôi còn chút quê nhà

Vẫn xin giữ lại dẫu là nhà quê

Ngó lên Hòn Kẽm lạnh tê

Đá Dừng hóa núi, suối về thành non

Hồn thơ phiêu lãng Thu Bồn

Ngày sau ai vớt linh hồn tôi lên?

Nếu "ngậm cười chín suối", "lạc bến xa bờ", "bơ vơ đất khách", chọn mấy câu này:

Hai chân đã dẫm trên trái đất

Sao vẫn chông chênh một lối về

Mai sau cát bụi ai thắp nến

Dẫn cái linh hồn cái thăm quê?

Chà, ngày sắp Tết bàn chuyện này chẳng sợ "rông" cả năm sao? Chẳng sao cả. Từ lúc oe oe chào đời, từng sinh linh đã bắt đầu khởi Nghiệp đi dần về cái chết. Việc gì phải sợ? Lẽ hiển nhiên ấy, đã từ rất lâu, Trịnh Công Sơn đã nhìn ra: "Dưới vành nôi mọc từng nấm mộ. Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa". Từ vành nôi thiên thần bé bỏng, ông đã nhìn thấy hành trình một kiếp người, phải đi đến. Dù nhọc nhằn. Dù hân hoan. Dù đớn đau. Dù rướm lệ. Phải đi. Đi cho hết một vòng quay sinh tử. Một lẽ tự nhiên trong trời đất. Tự ý thức để thấy sống trong đời nhẹ nhàng hơn. Câu hỏi trong hai bài thơ của y không hề vô vọng. Câu hỏi vang ra. Tiếng nói còn lại. Mãi mãi. Bây giờ và mãi mãi. Mai sau, nghìn sau cũng chẳng là gì. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Dẫu ruột thịt; hoặc không nếu đã có "mắt xanh" thì chẳng lo gì. "Một lời đã biết đến ta/ Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau" (Kiều). Việc gì phải sợ hãi nỗi cô độc lúc "mây che sương phủ", "sạch nợ phong trần”?

Thân như bóng chớp có rồi không

Cây cối xuân tươi thu não nùng

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông

Thơ của Thiền sư Vạn Hạnh. Bản dịch Ngô Tất Tố. Trả lời như thế được chưa? Tất nhiên. Vậy, quay lại với tập sách nọ. Dừng lại ở câu này:

Nỗi buồn siết cổ nghìn thu

Cho người nghẹn họng giã từ khổ đau

Là câu thơ Hoàng Trúc Ly khóc nhà phê bình văn học Tam Ích. Thế hệ trẻ hiện này ít biết đến Tam Ích (1915 - 1972), tên thật Lê Nguyên Tiệp. Ông tự chọn cách chết rất văn chương: Đứng trên chồng sách cũ, thòng dây vào cổ, chân hất tung chồng sách, cổ treo lửng lơ. Biết như thế, mới thấy câu thơ của Hoàng Trúc Ly ấn tượng. Ít ai biết, vì sao có bút danh Tam Ích? Lâu lắm rồi, đọc trên Văn Học thì phải, ông giải thích: Tam Ích là 3 chữ XXX, nghĩa 30. Ông ba mươi là con cọp. Cọp là hùm. Ký bút danh vì thần tượng nhà cách mạng, học giả Phan Văn Hùm. Đọc lại tuyển tập Vũ Bằng, có thấy công bố thư riêng giữa Vũ Bằng và Tam Ích.

Từ em tiếng hát lên trời

Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh

Sợi buồn chẻ xuống lòng anh

Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau

(Hoàng Trúc Ly)

Còn có bốn câu thơ mà lúc ngà ngà say, anh bạn Đoàn Vị Thượng thường ngâm nga:

Ta từ giấc mộng bước gần em

Đường phố đầy trăng hay mặt trời chìm

Ô hay con gái bay nhiều quá

Hai cánh tay mềm như cánh chim

Cũng thơ Hoàng Trúc Ly. “Ô hay con gái bay nhiều quá”. Có phải do nhà thơ tưởng tượng khi nhìn thấy tà áo dài trắng của nữ sinh lúc tan trường? Trước đây, năm 1978, Chế Lan Viên có làm bài thơ Tập qua hàng:

Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ

trở về. Nắng sớm cũng mong. Cây

cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm

cũng thêm màu trên cánh đang bay.

Đọc tập sách nọ, biết Mai Thảo cũng có bài thơ, từng câu vắt qua dòng. Rất hay:

Ta thấy màn nhung khép lại rồi

Hạ màn. Thế kỷ hết trò chơi

Sao không, quay gót tên hề đã

Chán một trò điên diễn với người

Lúc ở Mỹ, trên gường bệnh, sắp chết, nhà văn Mai Thảo thường đòi: “Bao giờ cho tôi về Ký Con?”.  Con đường Ký Con ở Sài Gòn, số 133B, là nơi đặt tòa soạn tạp chí Sáng Tạo thập niên 1950 của thế kỷ trước. Rồi sau đó nữa. Những năm tháng nối tiếp. Một thời vàng son của văn nghệ Sài Gòn, trong đó có Mai Thảo - không vợ con, không nhà cửa. Sực nhớ, có lần nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể, thuở học trò có đến tòa soạn báo Văn, 38 Phạm Ngũ Lão, Mai Thảo cũng chủ trương tạp chí này. Nhìn qua khung cửa sổ, anh thấy nhà văn Để tưởng nhớ mùi hương đang cắm cúi làm việc. Cây bút trên tay ông ngang dọc trên các bài lai cảo. Bài nào kém, vò bản thảo ấy ném xuống sọt rác dưới chân. Bài nào được, đặt trên bàn. Ông làm việc say sưa. Mặc kệ náo động chung quanh. Chỉ đứng nhìn, anh Ánh không dám vào. Ấn tượng về nhà văn đi trước, mầm non văn nghệ thời nào cũng có. Cũng như y, lần đầu tiên vào đến Sài Gòn nhưng vẫn không dám bước vào tòa soạn báo Thiếu Nhi, dù rất muốn gặp nhà văn Nhật Tiến v.v...

L.M.Q
(nguồn: báo ANTG giữa tháng - số 86 tháng 3.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com