BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Học lại người xưa

LÊ MINH QUỐC: Học lại người xưa

 

hoc-lai-nguoi-xua-R

 

1.


Có một tâm lý đã trở nên phổ biến, hễ cái gì của nước ngoài, thuộc loại “hàng hiệu” thì người ta tin sái cổ, mặc nhiên thừa nhận giá trị của nó. Điều này tùy vào lựa chọn mỗi người, chẳng ai có thể “phê phán” ai. Không chỉ những mẫu mã cụ thể, ngay cả vấn đề tư tưởng cũng thế thôi. Đã có lần, thi sĩ Bùi Giáng kêu toáng lên: “Chúng ta quen thói ngong ngóng chạy đuổi theo mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào để thể hội rằng lục bát Việt Nam là một cõi thi ca hoằng víễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba sông bảy hồ” (Tạp chí Văn số ra ngày 18.5.1973). Lục bát Việt Nam, ca dao, đình làng, cái chày cái cối, con nghê đầu làng, lũy tre, bến nước… vẫn tồn tại theo năm tháng. Một khi nhìn nhìn nhận, phát huy với giá trị văn hóa đích thực của dân tộc Việt, tôi tin rằng nội lực đó còn đủ sức soi đường cho chúng ta đi tới.

2.

Vì lẽ đó, khi bắt tay vào làm bộ Hào khí Đông A, trước hết tôi chọn lấy đời nhà Trần bởi đó là một giai đoạn hùng mạnh, vẻ vang nhất thế kỷ XIV mà cha ông ta đã không đầu hàng kẻ thù hùng mạnh nhất của một thời đại: “Không một dòng suối, một con sông nào không tràn đầy nước mắt. Không một ngọn núi, một cánh đồng nào không bị quân giặc giày xéo!”. Cuối cùng, dân tộc Việt đã chiến thắng. Bài học xuyên suốt của cha ông ta trong hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước là gì? Với câu hỏi này, các nhà sử học tha hồ bình luận. Riêng tôi, chỉ xin mạo muội nghĩ rằng, tất cả kinh nghiệm, bài học ấy chỉ gói gọn trong bốn từ chiến lược mà nhà văn hóa, nhà chính trị thiên tài Nguyễn Trãi đã đề ra: “Mưu phạt tâm công”. Tức “đánh vào lòng người”, nếu thắng được lòng người, tự khắc thành quách dù kiên cố đến đâu thì tự nó sẽ sụp; binh mã dù hùng hổ đến đâu cũng quỵ… Có sức mạnh nào vĩ đại hơn khi lòng người đã gắn kết làm một? Có sự tan rã, thất bại nào nhanh chóng khi lòng người đã chia năm xẻ bảy?

Lâu nay, sử sách đã ghi nhận chiến công oanh liệt của Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư lúc được vua Trần giao trấn giữ mặt trận Vân Đồn. Chính ông đã tổ chức đánh đắm thuyền vận tải lương thực lớn nhất của giặc Nguyên. Sử chép: “Quân ta thu được chiến lợi phẩm nhiều không kể xiết, bắt nhiều tù binh, làm phá sản kế hoạch tiếp tế lương thực của chúng”. Lúc ấy, dân quân nhà Trần lập tức “thừa thắng xông lên” giao chiến với kẻ thù? Không cần vội. Vua Trần Nhân Tông bảo: “Quân Nguyên cốt trông chờ có lương thực, khí giới nhưng nay bị ta cướp cả rồi, thế nào chúng cũng thua thôi. Tuy nhiên, nếu chưa biết tin này ắt chúng còn đắc chí, hung hăng. Chi bằng cho người báo tin, chúng tất ngã lòng, bấy giờ ta đánh mới dễ”. Nói xong, ngài cho thả tù binh để chúng tự tìm đến doanh trại Thoát Hoan báo lại sự tình. Quả nhiên, khi hay tin, quân Nguyên hoang mang tột cùng, không còn tâm trí chiến đấu nữa, vũ khí dẫu có trang bị tận răng cũng chẳng là gì. Tự nó, chưa đánh đã bại.

Ấy cũng là một biện pháp tài tình “đánh vào lòng người” đấy chứ?

3.

Học sử, nếu không liên hệ hiện thực thời đang sống phỏng có ích lợi gì? Một doanh nhân không cần biết đến sử nước nhà vẫn thành đạt chăng? Đã có những doanh nhân lấy bằng tiến sĩ trường đại học danh giá cỡ như Havard, họ chẳng biết gì về sử nhưng vẫn thành công ào ào đấy thôi. Thì vẫn biết thế, tuy nhiên, trong cuộc sống này, không có thơ người ta vẫn sống, nhưng nếu có  thơ, lúc ấy ăn bánh mì sẽ ngon hơn. Nếu biết sử, ắt có thể tự suy ngẫm và rút ra những bài học xác đáng trong kinh doanh.

Một đời chỉ sống bằng nghề báo, tôi đã gặp nhiều hạng người. Trong số đó, có người đã để lại cho tôi ấn tượng khi tâm sự rằng, nhờ đọc sử, hiểu sử và biết áp dụng trong đối nhân xử thế nên mới “có được ngày hôm nay”. Với một chủ doanh nghiệp, có phải mối quan tâm của họ hầu hết dành cho phía đối tác? Nhờ cậy những người của cơ quan chức năng thuộc vai vế “có sừng có mỏ” chăng? Anh bạn tôi gật gù: “Dẫu thế nào đi nữa nhưng không thể không quan tâm đến hạng người giữ cương vị thấp nhất trong công ty”.

Tại sao như thế?

Câu chuyện của anh ngược dòng lịch sử vào năm 1390. Lúc ấy, Chế Bồng Nga chỉ huy hơn 100 chiến thuyền đến sông Hải Triều (tức sông Luộc ngày nay). Đối đầu lại là cuộc bày binh bố trận của chiến tướng Trần Khát Chân. Không ai có thể biết trước chiến sự sẽ kết thúc thế nào. Lúc ấy, tên tiểu thần của Chế Bồng Nga là Ba Lậu Khê vì bị Chế vương quở mắng, sợ bị giết nên chạy sang doanh trại quân Đại Việt đầu hàng. Trần Khát Chân dò hỏi Chế Bồng Nga đang đi trên thuyền nào, Ba Lậu Khê liền trỏ cho biết quốc vương Chiêm Thành đang ngự trên chiến thuyền màu xanh. Trần Khát Chân ra lệnh cho các hỏa pháo tập trung nã đạn vào chiến thuyền đó. Nghe tin Bồng Nga chết tại trận, quân Chiêm Thành sợ hãi tháo chạy tan tác. Không đánh mà thắng. Chỉ từ một gia nhân tầm thường nhất mà Chế vương phải trả một giá đắt bằng chính sinh mạng của mình.

Sực nhớ rằng, có một triết gia bảo rằng, “lỗ nhỏ đắm thuyền”. Há chẳng phải là bài học đối nhân xử thế đó sao?

4.

Đọc sử đời nhà Trần, thú thật, tôi rất thích với chi tiết này: “Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc” (Đại Việt sử ký toàn thư). Thượng hoàng Trần Thái Tông đã có một tầm nhìn lớn lao, khoan dung sau chiến tranh cũng không ngoài mục đích gắn kết lòng người.

Mới đây thôi, từ thời còn chia cắt đất nước, bằng linh cảm của một người nghệ sĩ, Trịnh Công Sơn đã nhìn ra vấn đề mấu chốt sau ngày thống nhất là “dựng lại người” - “dựng người mới như cây sang mùa” trước cả chuyện nhân sinh, cơm áo “dựng lại nhà”. Hiểu thế nào đây? Tôi nghĩ “dựng lại người” còn là sự thay đổi tư duy.

Suốt một chiều dài lịch sử, quan niệm “trọng nông khinh thương” đã hằn vết lâu dài trong tâm trí người Việt. Ai là người trước nhất đã thoát ra ngoài tư duy cũ kỹ ấy? Khi đặt vấn đề, tôi không nghĩ đến một cuộc tranh luận. Ở đây với kiến văn hạn hẹp, cho phép tôi được dừng lại với nhân vật Trần Khánh Dư. Sau chiến thắng, đánh dẹp xong giặc Nguyên- Mông, Trần Khánh Dư vẫn giữ chốt ở Vân Đồn. Vùng đất này, xưa nay người dân vẫn sinh sống bằng nghề buôn bán trên biển. Khách buôn từ phương Bắc đến giao thương nhiều nên dân quân đều mặc quần áo, đồ dùng rập theo cách của họ. Khi duyệt quân ở các trang hộ, Trần Khánh Dư thấy vậy liền ra lệnh:

- Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc phương Bắc tràn sang. Quân ta không nên đội nón của người phương Bắc, vì sợ khi có sự vội vàng khó lòng phân biệt, vậy phải đội nón Ma Lôi, ai làm trái tất phải phạt.

Xin nói rõ, gọi nón Ma Lôi vì Ma Lôi là tên làng ở Hồng Lộ, có tài khéo đan nón bằng trúc thanh bì nên lấy tên làng để gọi tên nón. Trước đó, ông đã sai người nhà mua nón Ma Lôi chứa đầy thuyền, đậu ở cửa sông. Sau khi hạ lệnh, ông sai thuộc hạ lẻn đi mách cho dân ở trang hộ biết nơi có thuyền bán nón. Thiên hạ tranh nhau mua. Ban đầu giá chưa tới một tiền, sau bán giá cao hơn, mỗi cái nón trị giá bằng một tấm vải. Nhờ vậy, Trần Khánh Dư thu về được hàng ngàn tấm vải! Theo quan niệm truyền thống ngày trước, thứ tự trong xã hội được xếp “sĩ, nông, công, thương”, nghề buôn bán xếp sau cùng nhưng qua vụ bán nón Ma Lôi, Trần Khánh Dư đã đi trước thời đại. Chuyện này, đáng lưu ý ở chỗ Trần Khánh Dư “sai thuộc hạ lẻn đi mách cho dân”. Cách “rỉ tai” ấy, bây giờ vẫn chưa lạc hậu trong kinh doanh. Chưa hết, trước đó, khi sa cơ thất chí, ông đã dũng chọn nghề kiếm sống mà thiên hạ cho hèn mọn: bán than. Chỉ có người hèn, chứ chẳng có nghề nào hèn.

Bài học của cha ông ta từ hàng năm nay trước vẫn sáng ngời. Cần giữ lại và phát huy gì đã có trong tư duy của cha ông? Một câu hỏi không chỉ dành cho những người trẻ đang khởi nghiệp, có đúng vậy không?

L.M.Q

(nguồn: Báo Doanh nhân Sài Gòn - XUÂN 2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com