Ra mắt & hội thảo tập sách Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 - 1952) - Một trang sử thuộc địa bị lãng quên của Pierre Daum, bản dịch của Trần Hữu Khánh

 

Vài hình ảnh hội thảo và ra mắt tập sách Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 - 1952) - Một trang sử thuộc địa bị lãng quên (nguyên tác: : Immigrés de force - Les travailleurs indochinois en France (1939 - 1952) của Pierre Daum, bản dịch của Trần Hữu Khánh.

NXB Tri Thức tổ chức lúc 18g ngày 11.11.2014 tại Thư viện Idecaf, TP HCM. Dịch giả Trần Hữu Khánh và Phó Giáo sư Hà Minh Hồng (nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP HCM) là diễn giả trao đổi cùng bạn đọc những thông tin liên quan đến tập sách.

 

tac-gia-Linh-tho-o-dong-duong

Tác giả Pierre Daum là nhà báo, cựu thông tín viên tờ Libération ở Áo, ông cộng tác với nhiều tờ báo ở châu Âu như Le Monde, L’Express, La Libre Belgique, La Tribune de Genève… Sau khi trở về Pháp năm 2003, ông là phóng viên tờ Libération ở vùng Languedoc-Roussillon. Song song với các công trình nghiên cứu về quá khứ thuộc địa của nước Pháp, Pierre Daum còn thường xuyên thực hiện nhiều phóng sự lớn về thế giới cho tờ Le Monde diplomatique, tạp chí phát hành hàng tháng ở Pháp.

 

ra-mat-sach-KHANH-3

ra-mat-sach-KHANH-7bis

Phó GS Hà Minh Hồng, dịch giả Trần Hữu Khánh trao đổi cùng bạn đọc


ra-mat-sach-KHANH-4

ra-mat-sach-KHANH-5

ra-mat-sach-KHANH-6

Dịch giả Trần Hữu Khánh ký tặng sách cho bạn đọc


ra-mat-sach-KHANH-2

Từ trái: Nhà thơ Lê Minh Quốc (báo Phụ Nữ TP.HCM), nhà báo Ngọc Mai (báo Người Lao Động), dịch giả Trần Hữu Khánh.

 

VÀI THÔNG TIN VỀ TẬP SÁCH

Qua Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 - 1952) - Một trang sử thuộc địa bị lãng quên (nguyên tác: Immigrés de force - Les travailleurs indochinois en France (1939 - 1952), ta biết, tháng 9.1939, khi nước Pháp tuyên chiến với phát xít Đức, chính phủ Pháp đã đưa 20.000 thanh niên Việt Nam đến chính quốc nhằm phục vụ chiến tranh.

Cảm nhận về tập sách này, GS Chu Hảo nhấn mạnh: “Phần lớn những người này bị trưng tập cưỡng bức và ban đầu được sung làm công nhân trong các nhà máy vũ khí. Tháng 6.1940, nước Pháp thất trận đã khiến các cuộc trưng tập cũng đột ngột chấm dứt. 4.500 người trong số này đã được hồi hương trước khi hải quân Anh phong tỏa đường biển đến Viễn Đông đối với các tàu Pháp. 15.000 người còn lại được đưa về miền Nam và giam giữ trong khoảng một chục trại lao động Đông Dương ở Marseille, Sorgues, Agde, Toulouse, Bergerac, Bordeaux, Saint-Chamas và Vénissieux. Những trại này do các cựu sĩ quan Pháp của quân đội thực dân chỉ huy với chế độ kỷ luật rất nghiêm ngặt: ức hiếp, đánh đập và phân biệt chủng tộc hệt như đã từng áp dụng ở các thuộc địa. Được quản lý bởi cơ quan Nhân công Bản xứ thuộc Bộ Lao động, những người này được trưng dụng vào tất cả các ngành kinh tế. Cho đến năm 1948, nhà nước Pháp cho các xí nghiệp công và tư thuê số nhân công này và bỏ túi hàng đống tiền nhưng không hề trả bất cứ đồng lương nào cho người thợ.

Năm 1942, 500 người trong số họ được gửi đến Camargue để tìm cách phục hồi nghề trồng lúa ở đó. Nhờ kinh nghiệm của mình, họ đã thành công vượt bậc. Ngày nay chính là nhờ những người lao động Đông Dương (ONS) ấy mà cây lúa gạo mới có mặt trên đất Pháp.

Tuy nhiên đã bảy mươi năm qua câu chuyện lịch sử này vẫn bị chôn sâu trong ký ức người Pháp”.

Với tập sách Lính thợ Đông Dương ở Pháp (1939 - 1952) - Một trang sử thuộc địa bị lãng quên, lần đầu tiên, Pierre Daum đã công bố các thông tin về sự kiện trên thông qua số liệu, số phận con người cụ thể.

Điều cảm động là dù sống trên đất khách quê người, nhưng người lính thợ luôn một lòng hướng về Tổ quốc. Năm 1946 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, hàng ngàn lính thợ đã tổ chức mít tinh trọng thể để chào đón vị lãnh tụ của dân tộc.

Được biết, ngày 5.10.2014, tượng đài kỷ niệm cấp nhà nước nhằm tưởng nhớ công lao của 20.000 người lao động Việt Nam bị cưỡng bức lưu đày trong Thế chiến II đã được long trọng khánh thành ở ở Camargue - miền Nam nước Pháp dưới sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao Cộng hòa Pháp cùng đại diện chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, như là lời công khai thừa nhận từ hai quốc gia, rằng những cựu lao động này thực sự là nạn nhân của chế độ thuộc địa một thời.


Ảnh: Xuân Đạt & PV

Chia sẻ liên kết này...